Tờ Japan Times đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo đang nghiên cứu một loại vaccine phòng COVID-19 không chỉ mang lại khả năng miễn dịch suốt đời mà còn có thể được vận chuyển ở nhiệt độ phòng, dễ dang đưa đến những nơi xa xôi trên thế giới.
Trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng trên toàn thế giới, các quốc gia có thể sớm phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, hoặc để biến thể này càn quét cộng đồng.
Tiêm vaccine đang giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng không hiệu quả trong ngăn chặn sự lây lan của virus. Và khi các công ty dược gấp rút phát triển những liều vaccine tăng cường riêng cho từng biến thể ở thời điểm đại dịch bước sang năm thứ ba, thì tin tức về một loại vaccine duy nhất có thể cung cấp bảo vệ trọn đời thực sự được hoan nghênh.
Loại vaccine mới đang được phát triển bởi nhà nghiên cứu Michinori Kohara và nhóm cộng sự của ông, dựa trên loại vaccine thành công nhất từng được sử dụng trong lịch sử - một loại vaccine phòng bệnh đậu mùa.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một dòng virus vaccinea (VACV - một loại virus lớn, phức tạp, có vỏ bọc thuộc họ poxirus gây bệnh đậu mùa) không gây bệnh nhưng thay thế một số thành phần protein của nó bằng một số thành phần từ protein gai (protein đột biến) của SARS-CoV-2.
Mặc dù tái kết hợp protein gai với một cơ chế khác là một chiến lược phổ biến được sử dụng trong thiết kế vaccine ngày nay, ông Kohara tin rằng vaccine của ông không chỉ cung cấp các kháng thể trung hòa mạnh, chỉ với một liều duy nhất, mà còn tạo ra khả năng miễn dịch tế bào mạnh mẽ, cung cấp sự bảo vệ trong dài hạn.
Thông tin từ tờ Japan Times cho hay, các thí nghiệm tiến hành trên chuột cho thấy, những con chuột được tiêm chủng duy trì lượng kháng thể cao trong hơn 20 tháng, tương đương thời gian sống trung bình của chúng. Khi tiêm hai liều, cách nhau 3 tuần, các kháng thể trung hòa trong cơ thể chuột thí nghiệm tăng gấp 10 lần.
Các thí nghiệm tương tự được tiến hành trên khỉ cho thấy vaccine đã bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm virus vì mức độ virus trong cơ thể khỉ được tiêm chủng vẫn thấp hơn giới hạn có thể phát hiện, dù ở thời điểm 7 ngày sau khi chúng nhiễm COVID-19.
Nhà nghiên cứu Kohara cũng cho biết, loại vaccine COVID-19 “trọn đời” sẽ mang lại một lợi thế bổ sung là gây ít tác dụng phụ hơn so với các loại vaccine khác đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ông tuyên bố rằng chủng virus gây bệnh được sử dụng trong thiết kế vaccine này không có khả năng tái tạo ở động vật có vú và sẽ gây ra ít phản ứng phụ hơn.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã thử nghiệm vaccine nói trên chống lại 4 biến thể COVID-19 “đáng lo ngại” trước đây (theo phân loại của WHO) và nhận thấy chúng có hiệu quả.
Ông Kohara nói với các phương tiện truyền thông rằng ông hy vọng vaccine mới cũng có tác dụng chống lại biến thể Omicron. Điều đặc biệt là vaccine này có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng, dễ dàng vận chuyển và sử dụng ở các nước đang phát triển có khí hậu nhiệt đới.
Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo không có kinh nghiệm hoạt động thương mại hóa vaccine. Họ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thuốc trong nước Nobelpharma Co để đưa vaccine nói trên qua các thử nghiệm lâm sàng.
Giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ hai của thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến chỉ bắt đầu vào năm 2023, sau đó là giai đoạn thử nghiệm lớn hơn nếu không có những kết quả gây lo ngại về hiệu quả và an toàn. Nếu mọi việc suôn sẻ, vaccine COVID-19 “trọn đời” có thể được bán trên thị trường sớm nhất từ năm 2024.