Theo hãng tin Kyodo, chính phủ sẽ cung cấp vaccine cho các chính quyền địa phương tùy theo nhu cầu, đồng thời lên kế hoạch nghiên cứu độ an toàn do lo ngại về các tác dụng phụ hiếm gặp. Tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã nhanh chóng phê duyệt vaccine của AstraZeneca, song không bàn giao cho các chính quyền địa phương để xem xét các trường hợp đông máu hiếm gặp được ghi nhận ở người trẻ tuổi tại nước ngoài.
Tại Anh, một cơ quan tư vấn của chính phủ đã khuyến nghị những người dưới 40 tuổi tiêm vaccine khác thay thế vaccine của AstraZeneca do có những trường hợp xuất hiện huyết khối và số lượng tiểu cầu thấp hiếm gặp.
Mặc dù Nhật Bản chưa sử dụng vaccine của AstraZeneca trong nước, nhưng Tokyo đã tài trợ vaccine này cho các nước khác trong đó có Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Hiện Nhật Bản đang sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna để tiêm chủng cho người dân.
Cũng trong ngày 30/7, hội đồng của Bộ Y tế Nhật Bản đã đồng ý mở rộng thêm độ tuổi tiêm chủng vaccine của Moderna. Theo đó, vaccine này sẽ được tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên, thay vì 18 tuổi như trước.
Cùng ngày, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) thông báo kết quả các thử nghiệm tiêm kết hợp giữa vaccine của AstraZeneca với vaccine Sputnik V của Nga. Theo đó, việc kết hợp này không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng cho các tình nguyện viên.
Theo RDIF, thử nghiệm này được thực hiện trên 50 người, bắt đầu tại Azerbaijan trong tháng 2. Dự kiến kết quả đầy đủ của các thử nghiệm này, trong đó có dữ liệu về phản ứng miễn dịch của vaccine, sẽ được công bố vào tháng tới.