Thủ tướng Shinzo Abe đã có cách “khởi động” năm mới 2014 khác thường so với những người tiền nhiệm. Trong Thông điệp đầu năm được đăng trên nhật báo Sankei Shimbun ngày 1/1/2014, ông Abe đã loan báo rằng Hiến pháp Nhật Bản sẽ “phải được thay đổi” trước năm 2020 - thời điểm Tokyo tổ chức Thế vận hội mùa hè.
Tình hình biến chuyển
Trong thông điệp, Thủ tướng Abe nhìn nhận đây là thời điểm nước Nhật cần phải thảo luận sâu hơn về việc sửa đổi hiến pháp để có thể theo kịp với sự thay đổi của tình hình, đáp ứng các mục tiêu chiến lược, nhất là các yêu cầu về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Abe nói về chuyện cần sửa đổi hiến pháp. Tháng 8/2013, ông đã công khai khẳng định rằng sửa đổi Hiến pháp Hòa bình sẽ là một phần trong “sứ mệnh lịch sử” của cá nhân ông và rằng ông sẽ nỗ lực hoàn thiện mục tiêu này vì tương lai của nước Nhật.
Tàu tuần duyên Nhật Bản “chạm mặt” tàu Trung Quốc trên vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư ngày 10/9/2013. Ảnh: Kyodo |
Trước các tuyên bố này, thế giới cũng đã được chứng kiến những chuyển đổi quan trọng trong đường lối quân sự - quốc phòng của Nhật Bản. Năm 2007, Nhật Bản đã thông qua quyết định nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, đi liền với đó là các chương trình hiện đại hóa quân đội, luật hóa việc cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 4/12, Nhật Bản thông qua quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình của Mỹ, nhằm đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến quốc phòng - an ninh.
Ngày 17/12, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản chính thức được công bố, khẳng định sẽ tìm kiếm vai trò an ninh "chủ động" hơn cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) ở nước ngoài; đề ra các phương hướng chỉ đạo hoạt động xuất khẩu vũ khí; tăng ngân sách quốc phòng cho giai đoạn 2014 - 2019 (240 tỉ USD), với trọng tâm là các chương trình mua sắm vũ khí lớn.
Sự “biến chuyển của tình hình” theo cách nói của ông Abe chính là môi trường an ninh ở Đông Bắc Á, gắn với những tranh chấp biển đảo ở Hoa Đông. Đỉnh điểm cho xu hướng đối kháng này là việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông hôm 24/11, chồng lấn với vùng biển mà Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền.
Vấn đề này càng trở nên phức tạp, khi mà giới lãnh đạo cầm quyền ở Tokyo và Bắc Kinh đều được xem là những người theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc”, sử dụng vỏ bọc này để giành sự ủng hộ của công chúng trong nước, tạo đà cho việc thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại theo quan điểm cứng rắn hơn. Tại Trung Quốc, ngay từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lập tức “gây sốt” cho dư luận quốc tế, khi đưa ra tuyên bố về cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” hay “cuộc chấn hưng vĩ đại đất nước Trung Hoa” mà ẩn sau đó là sự táo bạo và quyết đoán trong chính sách đối ngoại. Ông Abe cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi lần thứ 2 trở lại nắm quyền trên cương vị Thủ tướng, với cam kết sẽ làm mới hình ảnh của nước Nhật sau "những thập niên bị đánh cắp".
Tìm kiếm vị thế cường quốc
Mục đích quan trọng nhất của sửa đổi Hiến pháp theo quan điểm của Thủ tướng Abe chính là việc thay đổi Điều 9. Tuy nhiên, trên thực tế Nhật Bản đã từng bước thoát ly khỏi điều khoản này, thể hiện qua các bước đi đã đề cập ở phần trên. Sửa đổi Điều 9 thực chất là bước tạo lập một hành lang pháp lý cho các bước chuyển đổi về tổ chức, hoạt động của quân đội Nhật Bản - một điều bình thường, chuẩn tắc ở nhiều nước, nhưng lại là “bất thường” đối với Nhật Bản do yếu tố lịch sử. Câu hỏi đặt ra là: Mục đích và tính khả thi của việc hợp pháp hóa yếu tố “bình thường” này.
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ hai, bên trái) sau lễ viếng đền Yasukuni ở Tokyo ngày 26/12. Ảnh: Kyodo/ TTXVN |
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được ông Abe viện dẫn là nhu cầu bức thiết hàng đầu cho việc cần phải thay đổi Hiến pháp. Nhưng đó chưa hẳn là tầng ý nghĩa mà Thủ tướng Nhật muốn truyền tải đến dư luận trong nước và thế giới. Kể cả khi giữ nguyên Hiến pháp hiện hành, Tokyo vẫn có công cụ răn đe, đáp trả hữu hiệu những mối đe dọa về chủ quyền. Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật (1960) quy định: Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của cả Mỹ và Nhật Bản; liên minh Nhật - Mỹ sẽ hành động để đối phó với mối nguy hiểm này phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp mỗi nước. Đối với điểm nhạy cảm nhất là Điếu Ngư/Senkaku, Mỹ nhiều lần khẳng định quần đảo này thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ.
Có vẻ như ông Abe muốn có một sự đề phòng cho những bất trắc có thể đến trong liên minh Nhật - Mỹ, với yếu tố đan cài Trung Quốc. Sự đề phòng này là có cơ sở, khi mà Bắc Kinh được cho là đang theo đuổi định hướng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ-Trung với đặc trưng “tăng tương đồng, giảm dị biệt”, nhất là trong các cấu trúc ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Luật hóa vai trò quân đội sẽ là cách Nhật Bản giành được thế chủ động, tăng quyền tự quyết, tránh lệ thuộc quá mức vào “ô an ninh” của Mỹ, phù hợp với chính sách "hòa bình chủ động" của Tokyo trong thế kỷ 21.
Nội dung toàn văn Chương 2 Điều 9 như sau: Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích trên, lục, hải và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận. |
Hơn nữa, là người theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc”, Thủ tướng Abe dường như muốn công khai về một mục tiêu xa hơn của việc sửa đổi Hiến pháp, đó là đưa Nhật trở thành một nước lớn, ít nhất là vị thế cường quốc khu vực. Sức mạnh kinh tế của “một người chơi lớn” là cần thiết, nhưng chưa đủ. Tiềm lực quân sự và sự tham gia tích cực vào các thể chế an ninh khu vực và toàn cầu khi đó sẽ là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy đường lối ngoại giao, tạo lập ảnh hưởng ra bên ngoài.
Cần thấy rằng, mốc thời điểm 2020 mà ông Abe đưa ra cũng rất đáng lưu ý. Nó cho thấy sửa đổi Hiến pháp là một vấn đề rất gai góc, nhạy cảm ngay trong nội bộ nước Nhật. Theo quy định, đề xuất sửa đổi hiến pháp trước hết phải được 2/3 thành viên Thượng viện, Hạ viện thông qua; sau đó sẽ được quốc dân sẽ bỏ phiếu.
Số phiếu thuận phải quá bán. Rào cản đầu tiên có thể dễ vượt qua, nhưng để đả thông tư tưởng của đa số người dân Nhật Bản không phải là một nhiệm vũ dễ dàng. Từ khi hiến pháp có hiệu lực (1947), Nhật Bản chưa lần nào tổ chức bỏ phiếu toàn quốc về sửa đổi hiến pháp. Hồi tháng 8/2013, Phó Thủ tướng Taro Aso đã vấp phải sự chỉ trích lớn từ công chúng, thậm chí là các yêu cầu đòi cách chức, khi nói về ý tưởng sửa đối Hiến pháp.
Với một nền chính trị dễ biến động, thay đổi chính phủ liên tục như ở Nhật Bản, chưa có gì bảo đảm rằng từ nay đến 2020 ông Abe sẽ hoàn thành được “sứ mệnh lịch sử” về sửa đổi Hiến pháp. Ít nhất, ông cũng là vị Thủ tướng đầu tiên đào sâu được vấn đề này trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản có những bước chuyển nhanh chóng.
Hoài Thanh