Thông báo trên được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra trong một phát biểu trước báo giới ngày 17/12. Theo ông Kishida, về nguyên tắc, nước này vẫn duy trì khoảng thời gian 8 tháng đã được đặt ra giữa mũi tiêm chủng thứ hai và thứ ba. Nhưng song song với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng nỗ lực ưu tiên tiêm liều vaccine tăng cường cho người cao tuổi và các nhân viên y tế. Đối với những người già sống tại viện dưỡng lão và các nhân viên y tế có nguy cơ cao, khoảng thời gian chờ trước khi thực hiện mũi tiêm tăng cường thậm chí được rút ngắn hơn nữa, chỉ còn 6 tháng.
Hiện Bộ Y tế Nhật Bản đã “bật đèn xanh” cho việc sử dụng các loại vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna cho các mũi tiêm nhắc lại.
Thủ tướng Kishida cũng cho biết Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận cơ bản với hãng dược phẩm Pfizer mua 2 triệu liều thuốc uống điều trị COVID-19 do hãng này sản xuất. Thuốc điều trị COVID-19 dạng uống được Nhật Bản coi là một công cụ quan trọng để ứng phó đại dịch.
* Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/12 cho biết chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đặt hàng hơn 180 triệu liều vaccine phiên bản hiệu chỉnh mà Pfizer/BioNTech sản xuất nhằm chống lại biến thể Omicron.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: "Các quốc gia thành viên đã nhất trí về việc chuyển giao đợt đầu hơn 180 triệu liều vaccine bổ sung đã được hiệu chỉnh, trong hợp đồng thứ 3 của chúng tôi với BioNTech/Pfizer".
Hiện Pfizer chưa xác nhận về thông tin trên. Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU cho rằng tại thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy cần hiệu chỉnh các công thức vaccine hiện có để chống lại biến thể Omicron.