Đây là những tỉnh có số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh trong những ngày gần đây. Diễn biến này được xem là khá bất ngờ, phản ánh các mối quan ngại đang gia tăng về tình hình lây lan dịch COVID-19 tại Nhật Bản.
Phát biểu sau cuộc họp với các chuyên gia, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết căn cứ các ý kiến các chuyên gia, cuộc họp đã nhất trí thông qua đề xuất bổ sung 3 tỉnh trên vào danh sách các khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh này dự kiến có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 31/5. Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được thông báo trong cuộc họp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và ban chỉ đạo phòng dịch trong chiều 14/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tỉnh Okayama và Hiroshima nằm trong danh sách 5 tỉnh được Chính phủ Nhật Bản cân nhắc đưa thêm vào diện khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 16/5 cho đến 13/6 tới do có số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong những ngày gần đây. Ba tỉnh còn lại trong danh sách này là Gunma, Ishikawa và Kumamoto. Tỉnh Hokkaido mới được đưa vào danh sách này hôm 9/5 cùng tỉnh Gifu và Mie ở miền Trung.
Hiện Nhật Bản đang áp đặt tình trạng khẩn cấp vì đại dịch tại thủ đô Tokyo, thành phố Osaka cùng 4 tỉnh Aichi, Fukuoka, Kyoto và Hyogo. Trong khi đó có 8 tỉnh đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, gồm 3 tỉnh giáp Tokyo là Saitama, Chiba và Kanagawa, tỉnh Ehime giáp Osaka, tỉnh Okinawa ở cực Nam, tỉnh Hokkaido, Gifu và Mie.
Cũng trong ngày 14/5, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản ước tính số người nhiễm biến thể N501Y chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới COVID-19. Đây là biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, có khả năng lây nhiễm cao hơn và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cao hơn 1,4 lần so với virus gốc. NIID cho biết thêm rằng tính đến nay, Nhật Bản đã phát hiện 70 ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 có xuất xứ từ Ấn Độ.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhận định dịch COVID-19 đang lây lan ở mức độ rất khác nhau giữa các khu vực ở Nhật Bản. Số ca nhiễm mới tại tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng sau lập kỷ lục mới vào ngày 13/5, trong khi số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm tại khu vực Kansai ở phía Tây, trong đó có tỉnh Osaka.
Riêng tại thủ đô Tokyo, nhóm chuyên gia nhấn mạnh quan điểm cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở đây. Mặc dù chưa có “sự gia tăng đáng chú ý” về số ca nhiễm mới ở Tokyo nhưng “vẫn không thể khẳng định rằng số ca nhiễm mới đã không còn tăng” ở thành phố này.
Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã quyết định kéo dài thời gian triển khai chiến dịch kích cầu “Go To Eat” đến tháng 12/2021.
MAFF cho biết, do ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ ba bùng phát trên phạm vi toàn quốc, tính từ tháng 4 đến ngày 13/5 có tỉnh, thành phố của Nhật Bản tạm dừng triển khai hoạt động bán, sử dụng phiếu ăn uống giảm giá, tích điểm nhằm hạn chế hoạt động đi lại, tập trung đông người của người dân. Các địa phương này sẽ được kéo dài thời hạn triển khai chiến dịch “Go To Eat” đến tháng 12 năm nay. Ngoài ra, 9 tỉnh thành khác tại Nhật Bản sẽ kết thúc chiến dịch theo đúng thời hạn vào tháng 6 tới do thời gian qua đã không triển khai biệp pháp phù hợp để hạn chế người dân sử dụng chiến dịch này.
Chiến dịch kích cầu ăn uống “Go To Eat” nằm trong kế hoạch kích cầu tiêu dùng mang tên “Go To” của chính phủ Nhật Bản đối với bốn lĩnh vực là ăn uống, du lịch, mua sắm và tổ chức sự kiện. Ban đầu, chiến dịch "Go To Eat" dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2021, tuy nhiên, do diễn biến dịch COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, MAFF đã phải kéo dài thời gian thực hiện chiến dịch này đến tháng 6/2021.