Nhật Bản dự kiến sẽ sớm đưa ra kháng nghị về yêu cầu của Trung Quốc về việc các tàu đánh cá của nước ngoài phải được sự chấp thuận của giới chức trách Trung Quốc trước khi đi vào vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho biết quy định mới – được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc – đã vấp phải sự phản đối không chỉ từ phía các quốc gia và vùng lãnh thổ như Philippines, Đài Loan mà cả Mỹ cũng lên tiếng.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản từng khẳng định quy định đánh bắt mới có thể là một nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tokyo đã đưa ra những chất vấn đối với quan chức Trung Quốc liên quan đến các chi tiết của quy định này.
Các quan chức chính phủ hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ ngày
15/1 đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ để đối phó với
các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như việc Bắc Kinh thiết lập Vùng
nhận dạng phòng không (ADIZ).
Phát biểu với báo giới, Thứ
trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobuo Kishi cho hay trong cuộc gặp giữa ông
và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, hai bên đã thảo luận “nhiều vấn
đề khác nhau” liên quan đến Trung Quốc, kể cả ADIZ mà Bắc Kinh thiết
lập trên Biển Hoa Đông, và nhất trí rằng việc tăng cường liên minh song
phương sẽ giúp bình ổn hơn nữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra,
Nhật Bản và Mỹ cũng nhất trí cần thắt chặt hợp tác 3 bên với Hàn Quốc
để đối phó với việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm
xa.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Kishi không tiết lộ việc có
thảo luận với ông Burns về chuyến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Abe
hồi tháng trước ở Tokyo hay không, động thái khiến các nước châu Á khác
như Trung Quốc và Hàn Quốc phẫn nộ và làm Mỹ thất vọng. Theo ông Kishi,
các quan chức Nhật Bản đã giải thích vấn đề này cho những người đồng cấp
Mỹ của họ “ở những cấp độ khác nhau”.
TN