Phần lớn các ca bệnh ở trẻ em ghi nhận những triệu chứng nhẹ nên các biện pháp phòng dịch vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Tuy nhiên, báo Yomiuri Shimbun đăng tải bài viết với nội dung khẳng định nước này cần nhanh chóng thiết lập một hệ thống điều trị và phòng bệnh, đặc biệt là nâng tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm trẻ tuổi.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh dâng cao, các ca mắc mới ở nhóm từ 19 tuổi trở xuống đã vượt mức 300.000 ca/tuần, gấp đôi mức đỉnh ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh thứ 6. Một trong những lý do là tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm trẻ. Tỷ lệ tiêm phòng mũi 3 trong nhóm từ 12 - 19 tuổi tại Nhật Bản khoảng từ 30 - 39%. Với nhóm từ 5 - 11 tuổi, vốn được tham gia chương trình tiêm phòng COVID-19 từ tháng 3, mới chỉ có 18% được tiêm mũi 2. Điều này cho thấy Nhật Bản cần khẩn trương thúc đẩy chương trình tiêm phòng cho nhóm trẻ tuổi
Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản đã quyết định sớm nhất là vào tháng 9 sẽ bắt đầu kêu gọi các bậc phụ huynh cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đi tiêm phòng theo luật tiêm phòng. Tuy nhiên, một số phụ huynh và người bảo hộ hiện còn do dự về việc đưa con đi tiêm vì lo ngại những tác dụng phụ của vaccine. Do đó, bài báo nhấn mạnh điều quan trọng là chính phủ và chính quyền địa phương cùng các tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu quả và mức độ an toàn của các loại vaccine để thuyết phục đưa trẻ đi tiêm.
Theo báo trên, ngay sau khi chính phủ kêu gọi người lớn đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng, chính phủ cần thiết lập một hệ thống để đảm bảo vaccine được cung cấp cho các trung tâm tiêm chủng một cách thuận lợi. Điều quan trọng là phải vạch kế hoạch để việc tiêm phòng có thể được thực hiện dễ dàng như tăng số điểm thực hiện tiêm phòng và kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm này.
Trong làn sóng dịch thứ 7, Nhật Bản ghi nhận những ca trẻ em phải nhập viện khẩn cấp vì co giật hoặc não cấp tính do sốt cao. Phân tích chỉ ra rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hiện đang là biến thể chủ đạo, gây sốt và co giật nhiều hơn biến thể Delta, biến thể chủ đạo trong mùa Hè trước. Một số bệnh viện tiếp nhận điều trị trẻ bị COVID-19 cũng hết giường bệnh, ảnh hưởng cả việc chăm sóc cho các bệnh nhân khác.
Tình trạng thiếu bệnh viện tiếp nhận trẻ mắc COVID-19 cũng là một yếu tố khác gây thêm áp lực cho các cơ sở y tế chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, chính phủ và chính quyền các địa phương cần đảm bảo giường bệnh cho trẻ nhỏ nhiễm virus, linh hoạt cho phép các khoa nhi của các bệnh viện tiếp nhận trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, cần đảm bảo người dân có thể dễ dàng tìm mua các loại xét nghiệm nhanh đủ tiêu chuẩn.