Phát biểu tại buổi tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh chính phủ và chính quyền các địa phương vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát trở lại với 5 trụ cột chính. Thứ nhất là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tại các cơ sở ăn, uống đông người. Bên cạnh việc chấp hành thời gian mở cửa đến 21h00', các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch như giữ khoảng cách về chỗ ngồi, giữ không gian thông thoáng. Ngoài ra, cố gắng hạn chế các bữa tiệc tụ tập đông người như tiệc ngắm hoa anh đào, bế giảng năm học... Cơ quan chức năng sẽ duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
Thứ hai, cần tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2. Theo đó, 40% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc sẽ được rà soát để kiểm tra biến thể, thay vì 10% như hiện nay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thắt chặt các biện pháp kiểm soát lượng người nhập cảnh qua đường hàng không nhằm sớm phát hiện và cách ly các ca nhiễm biến thể.
Thứ ba, lực lượng chức năng cũng cần duy trì xét nghiệm PCR, kể cả là những người không có triệu chứng. Nhật Bản sẽ nâng năng lực xét nghiệm tại các đô thị lớn lên 5.000 ca/ngày, đồng thời đặt mục tiêu đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành việc rà soát 30.000 viện dưỡng lão trong cả nước.
Tiếp đó, liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Theo ông, Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì quy mô tiêm chủng như hiện nay, với 80.000 người/ngày đối với các nhân viên y tế và từ ngày 12/4 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho đối tượng người cao tuổi. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 6 sẽ hoàn thành khoảng 100 triệu lượt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cuối cùng, cần tăng cường củng cố hệ thống y tế, sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Các địa phương sẽ tập trung chuẩn bị mọi điều kiện về trang thiết bị y tế, giường bệnh, thuốc men và duy trì số nhân viên y tế cần thiết để đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19. Số giường bệnh tại các cơ sở y tế sẽ được yêu cầu phân loại theo từng đối tượng gồm bệnh nhân mới mắc COVID-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân hồi phục. Việc điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ ở các cơ sở lưu trú hoặc điều trị tại nhà cần tiến hành theo hướng đảm bảo tính chủ động trong tổng thể hệ thống y tế.
Những nỗ lực trên của Chính phủ Nhật Bản cho thấy quyết tâm của nước này trong việc khống chế dịch COVID-19 - điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo, dự kiến sẽ khai mạc trong chưa đầy 4 tháng tới.