Nhật Bản: Tên lửa mới của Triều Tiên bay lâu nhất và cao nhất từ trước đến nay

Triều Tiên đã bị nghi ngờ phóng tên lửa tầm xa vào hôm 31/10. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết loại vũ khí này có thời gian bay dài nhất từ trước đến nay và có thể là một loại tên lửa mới.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo phóng về phía ngoài khơi bờ biển phía Đông, từ huyện Jangyon, tỉnh Nam Hwanghae ngày 14/3/2023. Ảnh: Yonhap

Tờ Japan Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: “Chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin, nhưng loại tên lửa lần này có thời gian bay dài nhất trong số các tên lửa cho đến nay. Tôi nghĩ rằng đó có thể là một loại tên lửa mới – khác với tên lửa thông thường”.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa này rơi ở ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, hạ cánh xuống vùng biển cách đảo Okushiri của Hokkaido khoảng 300 km về phía Tây vào khoảng 8 giờ 37 phút sáng (giờ địa phương) với thời gian bay khoảng 86 phút.

Liên quan tới vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cùng ngày nói rằng Bình Nhưỡng có thể đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa với góc bắn cao.

Thông báo của JCS cho biết vụ phóng từ khu vực phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Theo đó, tên lửa đạn đạo này có tầm bắn xa với góc bắn cao cùng quỹ đạo cong, nghĩa là tên lửa đã được bắn theo đường thẳng đứng dốc. Hiện chưa xác định được điểm rơi của tên lửa. Thông báo cũng khẳng định quân đội Hàn Quốc đang duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất đồng thời liên lạc chặt chẽ với phía Mỹ và Nhật Bản về vụ phóng của Bình Nhưỡng. Trước đó, JCS đánh giá đây có thể là một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Triều Tiên thường bắn vũ khí tầm xa theo quỹ đạo này để tránh bay qua các nước láng giềng. Hôm 30/10, Quân đội Hàn Quốc cảnh báo Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử một ICBM hoặc thậm chí tiến hành một vụ thử hạt nhân trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tuần tới.

Lần gần nhất Triều Tiên phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn là vào ngày 18/9. Và lần gần nhất Triều Tiên phóng ICBM là vào ngày 18/12/2023. Vũ khí này - một tên lửa nhiên liệu rắn cũng được bắn theo quỹ đạo cao - đã ghi lại thời gian bay cho phép nó có tầm bắn ước tính là 15.000 km, nếu được bắn theo quỹ đạo thông thường.

Một số nhà quan sát dự đoán vụ phóng ICBM tiếp theo của Triều Tiên sẽ theo quỹ đạo tiêu chuẩn, được coi là rất quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí để kiểm tra đầu đạn của tên lửa có khả năng quay trở lại bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu một cách đáng tin cậy hay không.

Vụ phóng này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kim Yong-hyun tại Washington. Trước đó ngày 30/10, tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã triển khai một bệ phóng di động nhằm chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa có thể là ICBM.

Hiện Bình Nhưỡng chưa bình luận về thông tin nêu trên.

Trong khi đó, Mỹ đã lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cam kết Washington sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để đảm bảo an ninh cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Trong khi Bộ Tư lệnh INDOPACOM đánh giá vụ phóng này không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nhân sự, lãnh thổ hoặc các đồng minh của Mỹ, vụ phóng này làm gia tăng căng thẳng không cần thiết và có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Sean Savett lưu ý.

Video Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 (Nguồn: Reuters):

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Japantimes, Yonhap)
Nhà Trắng bình luận sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo
Nhà Trắng bình luận sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo

Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo, Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích động thái này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN