Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Atsushi Mimura đã khẳng định như vậy sau cuộc họp ngày 6/8 với các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, BoJ và Cơ quan dịch vụ tài chính của nước này.
Theo hãng thông tấn Kyodo, cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán và tiền tệ của Nhật Bản chứng kiến những phiên giao dịch đầy biến động trong hai ngày qua.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 6/8, chỉ số Nikkei 225 - chỉ số hàng đầu của Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo - tăng hơn 3.217 điểm (tương đương 10,23%) so với thời điểm đóng cửa hôm trước, lên mức 34.675,46 điểm. Đây là mức tăng điểm lớn nhất của chỉ số này kể từ khi mức tăng điểm kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 2/10/1990.
Sự phục hồi mạnh mẽ này là nhờ hoạt động mua vào ồ ạt sau phiên bán tháo trên thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 5/8 khiến cổ phiếu lao dốc ở mức kỷ lục. Dữ liệu về lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ cho thấy sự phục hồi trong tháng 7, giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng trước. Số liệu do Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 5/8 cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng lên mức 51,4, từ mức 48,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ, vốn chiếm hơn 66% nền kinh tế Mỹ.
Sau khi các số liệu trên được công bố, đồng USD đã tăng giá nhẹ so với đồng yen, giao dịch ở ngưỡng dưới 146 yen đổi 1 USD, so với ngưỡng 141 yen/USD một ngày trước.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Atsushi Mimura cho biết, Chính phủ và BoJ khẳng định nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi, viện dẫn những số liệu tích cực như mức tăng lương mạnh mẽ và mức đầu tư vốn của các doanh nghiệp trong nước. Mặc dù không nêu rõ nguyên nhân gây ra biến động trên thị trường tài chính, song ông Atsushi Mimura đề cập những quan ngại của nhà đầu tư về nguy cơ suy giảm kinh tế và rủi ro từ căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Theo ông, tỷ giá giữa đồng yen và USD phản ánh những yếu tố cơ bản của hoạt động kinh tế và đang trong tình trạng ổn định. Và đây cũng là quan điểm cơ bản cho mọi hoạt động giám sát và đánh giá thị trường hiện nay.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng lên tiếng trấn an khi khẳng định chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để theo dõi và phân tích diễn biến thị trường tài chính. Bộ trưởng Suzuki cho rằng, điều quan trọng là cần thừa nhận sự phục hồi bền bỉ của nền kinh tế trong khi phải ứng phó những thay đổi trên thị trường. Sáng cùng ngày, phát biểu với báo giới tại Hiroshima, Thủ tướng Fumio Kishida bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế của Nhật Bản, viện dẫn những yếu tố tích cực như việc tiền lương thực tế tăng lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua. Thủ tướng cho rằng nền kinh tế đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang một giai đoạn mới.