Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, cuộc hội đàm diễn ra ngay trước thời điểm khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại London.
Tại cuộc gặp kéo dài khoảng 30 phút này, Ngoại trưởng Garneau nhấn mạnh là hai nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có chung quan điểm giá trị phổ quát, Canada và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì mục tiêu hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế. Đáp lại, Ngoại trưởng Motegi khẳng định đó cũng là mục tiêu mà Nhật Bản đang hướng tới.
Ngoại trưởng hai nước cũng chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó đề cập những quan ngại về tình hình an ninh trên biển thời gian gần đây. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên 6 lĩnh vực, trong đó có đảm bảo an ninh năng lượng, pháp quyền, hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai quan chức cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Motegi cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab, trong đó tái khẳng định hợp tác an ninh và thúc đẩy môt khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Motegi đã hoan nghênh việc Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth và nhóm tàu chiến đấu đến Nhật Bản và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Ông Motegi đánh giá kế hoạch trên phản ánh cam kết của Anh đối với khu vực này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản cũng hoan nghênh việc Anh chính thức đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập đăng ký tham gia thỏa thuận này.
Trong khi đó, văn phòng Ngoại trưởng Anh cho biết ông Raab đã cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật Bản về việc đăng ký gia nhập CPTPP, một thỏa thuận thương mại đa phương mà Anh xem là một phần quan trọng đối với việc tăng cường sự hiện diện thương mại và ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hai bên cũng thảo luận về những nền tảng thúc đẩy hợp tác thương mại và an ninh song phương.
Hai bên trao đổi về những cơ hội thúc đẩy sự hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm và có thể chia sẻ chuyên môn như an ninh kinh tế, công nghệ tiên tiến, y tế và khoa học. Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về tình hình an ninh trên biển, vấn đề Myanmar, cũng như tái khẳng định sự hợp tác trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Anh sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới ở Glasgow. Ngoại trưởng Anh hoan nghênh mục tiêu mới của Nhật Bản cắt giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tài khóa 2030 so với mức trong tài khóa 2013.
Các cuộc gặp trên nằm trong chuỗi các cuộc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G7, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp trong vòng 2 năm qua và cũng là chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Tây Nam nước Anh vào tháng tới.