Dịch vụ trên quỹ đạo của Nhật Bản là ý tưởng về việc sử dụng các vệ tinh chuyên dụng để tiếp cận, thu hồi và loại bỏ các loại rác thải vũ trụ, tiến hành sửa chữa vệ tinh hoặc cung cấp nhiên liệu. Hiện các kỹ thuật liên quan đang được thúc đẩy nghiên cứu tại Nhật Bản, trong đó, công ty Astroscale Japan có trụ sở tại thủ đô Tokyo đang phát triển kỹ thuật sử dụng nam châm để hút các loại rác thải sau đó đưa trở về khí quyển để đốt cháy.
Theo chủ trương của Chính phủ Nhật Bản, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vũ trụ cần được cơ quan chức năng cấp phép, hoạt động trên nguyên tắc không xâm hại quyền lợi của nước khác, đảm bảo các đối sách an toàn như phòng chống xung đột, va chạm với các vệ tinh khác, đối sách về an ninh mạng,
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vũ trụ có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan chức năng các nội dung liên quan đến hợp đồng ký kết với bên sở hữu vệ tinh; nội dung dịch vụ tổng thể cũng được công bố một cách công khai.
Rác thải vũ trụ chủ yếu là các bộ phận của tên lửa hoặc vệ tinh nhân tạo hết hạn sử dụng, có kích thước trên 10cm và trôi nổi trong không gian xung quanh Trái Đất. Theo các nhà khoa học, có khoảng hơn 20.000 mảnh rác thải vũ trụ đang tồn tại và dự kiến số lượng rác này sẽ còn tăng thêm trong tương lai khi các nước cạnh tranh phát triển kỹ thuật vũ trụ và làm tăng nguy cơ va chạm với các vệ tinh nhân tạo đang hoạt động, gây ra sự cố đối với hệ thống định vị GPS và hệ thống thông tin liên lạc.