Trước đó, ngày 16/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từ chối đề nghị khởi động một quy trình trọng tài chính thức để giải quyết vấn đề tồn đọng lâu nay giữa hai quốc gia, theo quy định trong Hiệp ước về Quan hệ cơ bản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1965.
Theo đài NHK, ông Nishimura cũng khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của các công ty nước này.
Mâu thuẫn giữa hai quốc gia phát sinh từ các quyết định của một tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Dù Nhật Bản luôn cho rằng vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhưng các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Tháng 1/2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.
Từ ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).
Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn để lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.
Trong diễn biến liên quan, ngày 17/7, quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á David Stilwell cho biết Washington sẽ "làm những gì có thể" để giúp tháo gỡ những căng thẳng thương mại và chính trị đang leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, ông Stilwell nhấn mạnh Mỹ đặc biệt ưu tiên tăng cường quan hệ với cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ông, về cơ bản, Seoul và Tokyo cần phải giải quyết các vấn đề nhạy cảm. Quan chức ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên sớm tìm ra hướng đi đồng thời khẳng định Washington sẽ đóng góp trong khả năng có thể cho các nỗ lực tháo gỡ vấn đề.
Ông Stiwell đang tiến hành hàng loạt cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc nhân chuyến thăm 3 ngày từ 16 - 18/7 tới quốc gia này.
Nhật Bản và Hàn Quốc có mối liên hệ kinh tế và văn hóa gần gũi, đồng thời cùng tiếp nhận khoảng 80.000 binh lính Mỹ đồn trú tại các quốc gia này. Tuy nhiên, việc hai quốc gia láng giềng, hai đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực liên tục vướng vào những tranh cãi liên quan tới các vấn đề lịch sử và lãnh thổ đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch thiết lập thế hợp tác ba bên mà Mỹ luôn hướng tới.