Các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN phát |
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam làm trưởng đoàn.
Diễn đàn đã kiểm điểm các hoạt động hợp tác ASEAN-Nhật Bản thời gian qua, nhấn mạnh Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và tiếp tục coi ASEAN là ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Nhật Bản hoan nghênh chủ đề và 6 ưu tiên của năm ASEAN 2017, khẳng định sẵn sàng tham gia, hỗ trợ thực hiện các ưu tiên này và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập của ASEAN.
Nhân dịp này, hai bên khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực đã xác định trong Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản như hợp tác kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giao lưu nhân dân, bảo đảm hoà bình, an ninh.
Về kinh tế, ASEAN và Nhật Bản nhất trí triển khai hiệu quả Lộ trình hợp tác kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN-Nhật Bản (2012-2022) mới được cập nhật năm 2015 nhằm đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) giai đoạn tiếp theo. Hai bên cũng ủng hộ các tiến trình liên kết kinh tế khu vực, thuận lợi hoá thương mại, hướng tới các thoả thuận tự do hoá thương mại chất lượng cao, bình đẳng và minh bạch.
Về văn hoá-xã hội, ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Nhật Bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực y tế cộng đồng và phòng chống dịch bệnh, giao lưu nhân dân; ủng hộ Chính phủ Nhật Bản tiếp tục triển khai Chương trình mạng lưới trao đổi thanh niên và sinh viên Nhật Bản-Đông Á (JENESYS) đến 2020 nhằm tăng cường cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa thanh niên Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Trước các thách thức hiện nay đối với môi trường hoà bình, an ninh khu vực, các nước ASEAN và Nhật Bản đều nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, phát huy các cơ chế như ASEAN - Nhật Bản, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF), Đối thoại ASEAN-Nhật Bản nhằm chống khủng bố, phổ biến vũ khí huỷ diệt, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, tăng cường an ninh biển. Các nước cũng bày tỏ quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Bán đảo Triền Tiên và tình hình Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản; hoan nghênh các kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Thay mặt ASEAN phát biểu về định hướng hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh hai bên cần: triển khai các định hướng của Lãnh đạo cấp cao thông qua các cơ chế, khuôn khổ và dự án hợp tác cụ thể, trong đó có việc thực hiện Lộ trình Hợp tác kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN-Nhật Bản (2012-2022) cũng như sửa đổi Kế hoạch triển khai Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản; tăng cường kết nối hàng hải và hàng không giữa ASEAN và Nhật Bản, trong đó cần sớm hoàn tất Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN-Nhật Bản; hợp tác phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên ASEAN - lực lượng chiếm hơn 60% dân số ASEAN; và tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, kịp thời ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Về vấn đề khu vực và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ đánh giá về tình hình Biển Đông, khẳng định quan điểm của Việt Nam cũng như lập trường chung của các nước ASEAN trong các tuyên bố gần đây của ASEAN; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động quân sự hoá; thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng nêu quan điểm của Việt Nam về tình hình Bán đảo Triều Tiên. Liên quan đến vụ sát hại công dân Triều Tiên ở Malaysia, Thứ trưởng cho biết các cơ quan Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để giải quyết các vấn đề liên quan, đồng thời mong muốn các nước ASEAN tăng cường hợp tác trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.