Nhật Bản tìm ra nguyên nhân của 'COVID kéo dài’

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra nguyên nhân khiến các di chứng của việc mắc COVID-19 vẫn còn kéo dài ngay cả khi đã khỏi bệnh, còn gọi là các triệu chứng COVID kéo dài (long COVID).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Thông qua các thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu của Giáo sư sinh học Eiji Hara (Đại học Osaka) nhận thấy các tế bào bị tác động bởi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã góp phần lây lan sự viêm nhiễm trong cơ thể. Theo nhóm nghiên cứu, đây có thể là lý do khiến các bệnh nhân COVID-19 thường phàn nàn về tình trạng hôn mê, đau đầu, rụng tóc và các triệu chứng khác sau khi đã khỏi bệnh.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu quá trình lão hóa của tế bào, trong đó các tế bào bị tổn thương sẽ không nhân lên như bình thường, mà thay vào đó, chúng bị phân tán xung quanh các chất gây viêm. Hiện tượng này có thể dẫn đến các bệnh ung thư, xơ cứng động mạch và các rối loạn khác có liên quan tới người cao tuổi.

Sau khi nghiên cứu về tác động của tình trạng viêm nhiễm trên bệnh nhân COVID-19, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã quyết định kiểm tra mối tương quan giữa các di chứng của việc mắc COVID-19 và quá trình lão hóa tế bào. Khi các nhà nghiên cứu cho virus SARS-CoV-2 nhiễm vào các tế bào người được nuôi cấy, họ phát hiện ra rằng nhiều tế bào bị nhiễm bệnh đã chết trong vài ngày và virus biến mất.

Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện trước khi chết đi, các tế bào bị nhiễm bệnh đã tiết ra các chất để đẩy nhanh quá trình lão hóa của chúng. Các chất này khiến các tế bào xung quanh đó bị suy yếu và chúng lại tiết ra các chất gây viêm. Bằng cách sử dụng chuột hamster nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách có chủ đích, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chất gây viêm đó vẫn tiếp tục phát ra từ các tế bào lão hóa trong phổi ngay cả khi virus đã biến mất.

Cùng với việc phát hiện các tế bào lão hóa trong phổi của những bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn tiếp tục tiết ra các chất gây viêm, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc sử dụng một loại thuốc để loại bỏ các tế bào lão hóa ở những con chuột nhiễm SARS-CoV-2 có thể giúp giảm triệu chứng viêm phổi.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ dẫn tới lão hóa tế bào và tình trạng viêm nhiễm kéo dài, và đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các di chứng của việc mắc COVID-19 vẫn kéo dài sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, giáo sư Hara lưu ý rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu có nên nhắm vào cơ chế gây viêm nhiễm này để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 hay không.

Thanh Tùng - Đức Thịnh (TTXVN)
Nhật Bản ghi nhận thêm 271 ca tử vong do COVID-19
Nhật Bản ghi nhận thêm 271 ca tử vong do COVID-19

Ngày 17/2, Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 ở mức cao nhất trong làn sóng dịch bệnh hiện nay do biến thể Omicron gây ra. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN