Tờ Strait Times đưa tin nhằm tháo gỡ các vấn đề trên, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết chi 65 tỷ yên trong ba năm tới để giúp 300.000 người thuộc thế hệ "kỷ băng hà việc làm” có được công việc toàn thời gian.
Lực lượng trên là những người ở độ tuổi 35 – 44, tốt nghiệp trong khoảng giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000 song không thể có được công việc lâu dài. Họ chỉ làm bán thời gian, lương thấp và liên tục đổi việc. Loạt các biện pháp tháo gỡ được lên kế hoạch bao gồm đào tạo nghề và trợ cấp cho chính quyền địa phương để thuê những người này.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết: “Các vấn đề mà thế hệ 'băng hà công việc’ phải đối mặt đều quan trọng, không nên trở thành gánh nặng chỉ đặt riêng lên vai họ hay gia đình họ mà phải để cả xã hội cùng gánh vác”.
Giới chuyên gia xã hội học nhận xét chính tình trạng công việc bấp bênh và thu nhập thấp đã khiến nhóm người trên phải sống chắt chiu, dẫn đến tình trạng ít kết hôn cũng như hạn chế sinh con, đồng thời làm gia tăng nạn hikikomori (xa lánh xã hội) ở những người sống cùng bố mẹ.
Năm 2019, chỉ có 864.000 trẻ sơ sinh chào đời tại Nhật Bản, giảm đáng kể gần 6% so với năm 2018 và thấp kỷ lục kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu về sinh sản năm 1899.
Ông Tamaki Saito, nhà tâm lý học tại Đại học Tsukuba cho biết nhiều hikikomori bị buộc phải sống thu mình bởi hoàn cảnh xô đẩy, khiến họ bị bắt nạt, chế giễu. Kết quả, họ cảm thấy mất tinh thần, ngại đương đầu với thử thách mới.
Tiến sĩ Saito cho rằng hiện tại ở Nhật Bản có thể có trên 2 triệu hikikomori. Mặc dù không phải tất cả họ đều thuộc thế hệ "kỷ băng hà công việc”, họ sẽ đặt thêm sức ép lên hệ thống an ninh xã hội khi nhiều khả năng chỉ sống dựa vào phúc lợi sau khi cha mẹ qua đời.
Thừa nhận những tình huống trên có thể xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi sự thay đổi mô hình lớn giữa các nhà tuyển dụng. Thay vì thuê những sinh viên mới tốt nghiệp để đào tạo từ đầu, họ có thể tuyển dụng những người ở độ tuổi 35 – 44.
Tiên phong trong chính quyền trung ương, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tuần trước thông báo cơ quan này sẽ thuê 10 người thuộc “thế hệ kỷ băng hà công việc” từ tháng 5/2020.
Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự Pasona Group cũng cho biết sẽ thuê 300 người từ tháng 4 tới. Theo chương trình “Middles Be Ambitious” của hãng, người lao động sẽ được đào tạo 6 tháng và trả lương từ 4 – 6 triệu yên hàng năm tại các vị trí công việc như bán lẻ, quản lý cơ sở và thiết kế.
Sự thay đổi này đang diễn ra trong bối cảnh thiếu hụt lao động nan giải tại thị trường việc làm Nhật Bản. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,2% trong tháng 11 và dữ liệu của chính phủ tuần trước cho thấy có 157 cơ hội việc làm cho mỗi 100 người tìm việc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn chỉ ra một số lỗ hổng trong chính sách này của Nhật Bản. Họ đặt câu hỏi liệu đây có phải một giải pháp lấp chỗ trống tạm thời để đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm ngay lập tức hay không, và liệu những người lao động tương đối thiếu kinh nghiệm này có bị sa thải khi môi trường kinh doanh xấu đi.
Tiến sĩ Emi Kataoka tại Đại học Komazawa cho rằng: “Nếu không có biện pháp hỗ trợ đào tạo đúng đắn với tầm nhìn dài hạn, lực lượng trên sẽ còn có nguy cơ cao hơn chỉ nhận được công việc với đồng lương ít ỏi như chăm sóc y tế và công nhân xây dựng”.
Các chuyên gia cũng đề xuất rằng mục tiêu giúp đỡ 300.000 đối tượng của chính phủ là quá thấp khi các số liệu thống kê cho thấy “thế hệ kỷ băng hà công việc” phải lên đến 3 triệu người. Dữ liệu chính thức năm 2018 chỉ rõ rằng ở Nhật Bản có 21,2 triệu người là người lao động “không ổn dịnh” hay gần 37,9% lực lượng lao động.
Ông Yukio Okubo, Giám đốc Viện cố vấn Recruit Works Institute trả lời tạp chí Nikki Business rằng: “Thay vì chỉ tập trung vào một thế hệ, hãy trao thời cơ cho tất cả những người không có cơ hội để nâng cao tay nghề. Ép buộc tuyển dụng là một chính sách sai lầm. Không có tay nghề, người ta không thể có động lực và làm việc tốt. Điều này chỉ dẫn đến một vòng xoáy đi xuống”.