Mặt khác, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng tại Ấn Độ, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các công dân nước mình đang ở Ấn Độ xem xét việc tạm trở về nước. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp lập điểm xét nghiệm COVID-19 tạm thời do một công ty Nhật Bản ở sở tại đứng ra thực hiện. Đối tượng là tất cả công dân Nhật Bản đang cư trú trên khắp đất nước Ấn Độ, nếu có nhu cầu sẽ được xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại một khách sạn ở ngoại ô thủ đô New Delhi và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập cảnh vào Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản trong ngày 12/5 vẫn rất phức tạp với 7.075 ca mắc mới, 106 ca tử vong và số ca nghiêm trọng đang được điều trị bằng máy thở hoặc trong phòng chăm sóc đặc biệt tiếp tục tăng với 1.189 ca, gây áp lực cho hệ thống y tế một số địa phương. Thủ đô Tokyo vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao với 969 ca, trong đó 86 bệnh nhân nặng và 8 ca tử vong.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, các trung tâm tiêm chủng tăng cường ở Tokyo và Osaka do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận hành sẽ hoạt động từ ngày 17/5. Việc đặt trước lịch tiêm chủng được chấp nhận qua Internet và ứng dụng mạng xã hội LINE, không chấp nhận đặt trước qua điện thoại.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng tại Trung tâm Tokyo là người cao tuổi sinh sống tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận, còn tại Trung tâm Osaka là các tỉnh Osaka, Hyogo và Kyoto. Trước mắt, ưu tiên người cao tuổi tại các 23 quận trung tâm của Tokyo và người trong tỉnh Osaka, sau đó sẽ mở rộng khu vực tiêm chủng.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng được khoảng 5.000 lượt/ngày tại Tokyo và 2.500 lượt/ngày tại Osaka ở giai đoạn đầu, sau đó nâng dần lên mức 10.000 lượt/ngày tại Tokyo và 5.000 lượt/ngày tại Osaka.
Do không có cơ chế loại bỏ các đăng ký trùng lặp nên Bộ Quốc phòng Nhật Bản kêu gọi người dân chỉ nên đăng ký tiêm chủng tại một địa chỉ hoặc là tại địa phương hoặc là trung tâm để tránh lãng phí vaccine và tiết kiệm thời gian tiêm chủng.