Đúng 14 giờ 46 phút theo giờ địa phương (12 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam), cả nước Nhật Bản đã lặng đi trong phút tưởng niệm gần 16.000 người thiệt mạng và 3.000 người mất tích trong thảm họa kép động đất - sóng thần xảy ra cách đây đúng một năm.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự Lễ tưởng niệm chính thức tại Tôkyô. Ảnh AFP. |
Tại thủ đô Tôkiô, lễ tưởng niệm đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Quốc gia với sự tham dự của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, Thủ tướng Yoshihiko Noda, các quan chức chính phủ, nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) Tsunehisa Katsumata và đại diện những gia đình có người thân thiệt mạng trong thảm họa.
Trong diễn văn tại buổi lễ, Thủ tướng Noda cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến trình tái thiết tại các khu vực bị động đất - sóng thần tàn phá. Ông Noda nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho những khu vực bị ảnh hưởng. Hiện những khu vực này đang nỗ lực hồi sinh quê hương để nơi đó trở nên an toàn hơn và là nơi có thể sinh sống được". Ông cũng khẳng định cuộc chiến đối phó với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn đang tiếp tục. Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để hồi sinh tỉnh Fukushima và kiến tạo nơi này thành một thành phố tươi đẹp.
Sau phát biểu của Thủ tướng Noda, Nhật hoàng Akihito - người vừa trải qua cuộc phẫu thuật tim, cũng có bài diễn văn tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng và mất tích trong thảm họa động đất - sóng thần, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của người dân Nhật Bản đối với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết những vùng bị tàn phá.
Các ngư dân ở Kesennuma, tỉnh Iwate, lặng người trước biển trong khoảnh khắc tưởng nhớ các nạn nhân. Ảnh Internet. |
Cùng lúc, các hoạt động tưởng niệm và cầu siêu cho những người xấu số cũng được tổ chức tại ba tỉnh đông bắc Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất - sóng thần là Iwate, Miyagi và Fukushima. Hàng trăm gia đình Nhật Bản đã tập trung tại các thị trấn và những ngôi làng nằm dọc bờ biển vùng đông bắc đề tưởng nhớ những người thân đã bị sóng thần cuốn trôi.
Lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima với sự tham dự của Giám đốc TEPCO - đơn vị vận hành Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Sau lễ tưởng niệm, ban lãnh đạo TEPCO đã một lần nữa gửi lời xin lỗi đến người dân Nhật Bản vì đã để xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Trong thời khắc linh thiêng đó, các hoạt động công cộng và vui chơi giải trí trên khắp đất nước Nhật Bản đã được tạm dừng để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa.
Các nhà lãnh đạo Anh, Ôxtrâylia cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Nhật Bản và người dân xứ sở Mặt trời mọc trước giờ phút tưởng niệm này. Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard nhấn mạnh: "Là một người bạn gần gũi và là đối tác của Nhật Bản, Ôxtrâylia sẽ tiếp tục sát cánh cùng với chính phủ và người dân Nhật Bản trên con đường phục hồi và tái thiết đất nước". Bà cũng nhắc lại ký ức về chuyến thăm của bà tới thị trấn duyên hải Minamisanriku bị tàn phá nặng nề sau cơn sóng thần: "Tôi sẽ không bao giờ quên được những cảnh tượng tang thương và mất mát đã được chứng kiến trong chuyến thăm đó. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được sự quật cường của người dân Nhật Bản trên con đường xây dựng lại cuộc sống và đất nước mình".
Nước Nhật đã nỗ lực khôi phục những vùng thảm họa. Trong ảnh là thị trấn Yamada, tỉnh Iwate ngày 14/3/2011 và một năm sau thảm họa. |
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ cảm phục tinh thần kiên cường của người dân Nhật Bản trong thảm họa và kêu gọi người dân nước này tiếp tục giữ vững "lòng quả cảm cũng như ý chí đã có" để vượt qua khó khăn, tái thiết đất nước.
Ngày 11/3/2011 đã đi vào lịch sử đau thương của đất nước Nhật Bản khi có tới 16.000 người thiệt mạng và 3.000 người mất tích trong trận siêu động đất mạnh 9 độ ríchte kèm theo những cột sóng thần cao hàng chục mét cuốn sâu vào trong đất liền và tàn phá nhiều khu vực ở vùng Đông Bắc. Hơn 3.000 ngôi nhà đã bị cuốn trôi và hiện vẫn còn tới 344.000 người phải sống trong các khu nhà tạm. Thảm họa động đất - sóng thần còn gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986, buộc khoảng 160.000 người sống quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 phải sơ tán để tránh nhiễm xạ. Dù đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, song cho đến nay công tác khắc phục hậu quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong suốt một năm qua, chính phủ và người dân Nhật Bản đã kiên cường vươn lên để xây dựng một đất nước Nhật Bản mới tươi sáng hơn và mạnh mẽ hơn.
TTXVN / Tin tức