Nhật Bản, đất nước có nguồn năng lượng hạn hẹp, đang nỗ lực để cân bằng giữa nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và quan điểm cứng rắn đối với Nga, hiện cũng đang phải đối mặt với câu hỏi có tiếp tục tham gia vào dự án Sakhalin-2 nữa hay không.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida cho rằng dự án này đã cung cấp nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) ổn định, giá thành rẻ và dài hạn cho Nhật Bản. Ông khẳng định đây là một dự án rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản, do đó Tokyo không có kế hoạch rút khỏi dự án này.
Theo Thủ tướng Kishida, mặc dù đưa ra quyết định trên, nhưng Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, phù hợp với chính sách của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng trước, tập đoàn dầu mỏ Shell của Anh cho biết họ sẽ bán 27,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga. Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản nắm giữ 12,5% cổ phần trong dự án này và tập đoàn Mitsubishi có 10%. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga nắm 50% cổ phần trong dự án Sakhalin-2.
Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, một phần là do nhiều lò phản ứng hạt nhân của nước này đã ngừng hoạt động kể từ khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Hiện Nga đang cung cấp hơn 8% nhu cầu LNG của Nhật Bản.