Nhật Bản và 5 nước Trung Á lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 1/5, Nhật Bản và 5 nước Trung Á (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) đã ra tuyên bố chung lên án các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên thời gian gần đây là không thể chấp nhận.

Tuyên bố này được đưa ra sau hội nghị ngoại trưởng Nhật Bản và các nước Trung Á lần thứ 6 tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ ba, từ trái sang) và Ngoại trưởng các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan cùng Uzbekistan tại Hội nghị ở Ashgabat ngày 1/5. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong tuyên bố, các bộ trưởng đã coi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cấm nước này thử các thiết bị hạt nhân và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tuyên bố cũng nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cách đây vài thập kỷ.

Trả lời báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định tuyên bố trên là một thành quả to lớn, cho thấy cộng đồng quốc tế sẽ đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là nguy hiểm nhất trong nửa thế kỷ kể từ cuộc chiến tranh liên Triều giai đoạn 1950-1953.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KNCA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết mặc dù sự đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn tồn tại lâu nay, song sự gây hấn của Mỹ chưa bao giờ cao đến mức này và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến gần đến nguy cơ chiến tranh như trong giai đoạn diễn ra các cuộc tập trận Mỹ-Hàn gần đây.

Kể từ đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung như "Đại bàng non" và "Giải pháp then chốt". Gần đây, Lầu Năm góc cũng đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc và điều nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump còn khẳng định "để ngỏ mọi phương án" giải quyết vấn đề liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, gây nên đồn đoán rằng Mỹ có thể tấn công quân sự Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy Mỹ là "kẻ cầm đầu gây hấn", gây nguy hại đến hòa bình và làm leo thang căng thẳng khu vực. Theo quan chức này, Triều Tiên đã đúng khi quyết định thúc đẩy năng lực hạt nhân vì mục đích phòng vệ.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?
Mỹ can thiệp mạng khiến tên lửa đạn đạo Triều Tiên nổ tung?

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 29/4 nổ tung sau khi rời bệ phóng vài chục km làm dấy lên nghi ngờ về việc Mỹ tiến hành can thiệp mạng khiến nỗ lực thử tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN