Lực lượng cứu hộ Nhật Bản chuyển lương thực, nước uống để phân phát cho người dân sau trận động đất ở Minami-Aso, Kumamoto ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 18/4 cho biết thông tin trên. Khi được hỏi về khả năng lập một ngân sách bổ sung nhằm đối phó với thảm họa trên, trả lời trước một ủy ban của Hạ viện Nhật Bản, Thủ tướng Abe nhấn mạnh chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ khắc phục và tái thiết các khu vực bị động đất tàn phá tập trung tại tỉnh Kumamoto và Oita.
Tại một cuộc họp báo riêng rẽ, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yosihide Suga cho biết chính phủ có thể dành riêng một quỹ trị giá 350 tỷ yen (tương đương 3,2 tỷ USD) trong ngân sách nhà nước của năm tài chính bắt đầu ngày 1/4 vừa qua, để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng tại nhiều nơi lưu trú tạm thời ở tỉnh Kumamoto khi hàng chục nghìn người vẫn đang phải sơ tán sau động đất. Nhiều cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã hết hàng do nguồn cung bị gián đoạn. Theo ông Suga, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp đôi lượng lương thực, thực phẩm cứu trợ lên tới 1,8 triệu suất so với 900.000 suất trong ba ngày như kế hoạch ban đầu.
Tính đến sáng 18/4, khoảng 105.000 người vẫn ở trong các cơ sở lưu trú tạm thời tại Kumamoto, giảm so với con số khoảng 110.000 chiều 17/4. Tuy nhiên, nhiều người chưa thể về nhà ngay khi nhiều cơn dư chấn tiếp tục khiến khu vực này rung lắc. Cảnh sát cho biết một cụ bà 77 tuổi đã tử vong khi đang lưu trú tại thành phố Aso thuộc Kumamoto ngày 17/4, với nguyên nhân chính được cho là mệt mỏi hoặc căng thẳng do sơ tán.
Tổng cộng 42 người đã thiệt mạng và khoảng 1.100 người bị thương trên đảo Kyushu sau khi xảy ra trận động đất 6,5 độ richter ngày 14/4 và thêm một trận động đất mạnh 7,3 độ richter ngày 16/4. Hiện 9 người tại tỉnh Kumamoto vẫn mất tích.
Kể từ ngày 14/4, đã xảy ra hơn 530 dư chấn tại tỉnh Kumamoto và tỉnh lân cận Oita. Cảnh sát cho biết 400 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và rất nhiều nhà bị hư hại.
Các trận động đất thường gây quan ngại về mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân trên đảo Kyushu. Tuy nhiên, Chủ tịch Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân Nhật Bản ngày 18/4 nói rằng cơ quan này chưa có ý định chỉ thị dừng hoạt động nhà máy năng lượng hạt nhân Sendai tại tỉnh lân cận Kagoshima bởi hiện chưa phát hiện vấn đề bất thường gì.
Sendai là nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất đang hoạt động tại Nhật Bản sau khi Chính phủ nước này nâng cao tiêu chuẩn về an toàn sau trận động đất và sóng thần năm 2011 gây ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Liên quan đến công tác bảo hộ công dân, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cho biết đã khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân đối với các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn. Theo đó, trong chiều 17/4, Tổng Lãnh sự quán đã cử cán bộ mang theo đồ ăn, nước uống đến vùng bị nạn tại Kumamoto để trực tiếp nắm tình hình, động viên cộng đồng người Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cũng phối hợp chặt chẽ, lập ra nhiều kênh liên lạc khác nhau qua các Hội hữu nghị Việt – Nhật tỉnh, chi nhánh vùng của các Hội sinh viên, học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, các chi bộ vùng và các đầu mối chính trong cộng đồng người Việt... để theo dõi và cập nhật tình hình công dân Việt Nam tại các khu vực xảy ra động đất, đồng thời giữ liên lạc chặt chẽ với chính quyền địa phương để chủ động trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn.
Riêng tại thành phố Beppu, nơi tập trung đông sinh viên Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán đã hướng dẫn chuẩn bị lương thực dự phòng, lập danh sách trực tuyến với tên và địa chỉ nơi sơ tán để theo dõi và quản lý thuận lợi.
Nếu công dân Việt Nam cần hỗ trợ, giúp đỡ khẩn cấp hoặc cung cấp thông tin về những trường hợp khác đang gặp khó khăn, đề nghị liên lạc ngay với các đường dây nóng (+81) 80 3590 9136 (số hotline của Đại sứ quán), (+81) 80 3984 66 và (+81) 80 3904 0198 để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka kịp thời nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, số công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Kumamoto là hơn 1.600 người, tập trung chủ yếu tại các thành phố Yatsushiro, Kumamoto, Tamanashi, thị trấn Nagabuchi...
Tại tỉnh Oita, khoảng 1.100 công dân Việt Nam, trong đó chủ yếu là các du học sinh, tu nghiệp sinh đang tập trung tại 3 thành phố Beppu, Usa và Oita. Hiện các công dân Việt Nam đang tạm lánh nạn tại các trường học trên địa bàn, một số sơ tán trong các lều, trại do quân đội Nhật Bản dựng lên. Nhìn chung, điều kiện sinh hoạt tạm thời ổn định nhờ những nỗ lực kịp thời của chính quyền địa phương.