Tại hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ngày 11 - 12/7 tới ở Vilnius, thủ đô của Litva, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào tư cách thành viên của Thụy Điển, đặc biệt là liên quan đến Tổng thống Tayyip Erdoğan, người sẽ đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh này.
Theo bình luận của nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Şafak ngày 3/7, Thụy Điển, quốc gia đang cần lá phiếu “đồng ý” của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thành viên NATO, cho đến nay vẫn chưa thực hiện bất kỳ cam kết nào đối với Ankara. Mặc dù có những sửa đổi trong luật chống khủng bố có hiệu lực từ ngày 1/6, các đối tượng mà Ankara yêu cầu dẫn độ vẫn chưa được tiến hành.
Yeni Şafak trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Thụy Điển đã có 3 tính toán sai lầm trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO, đặc biệt là khi Stockholm đang tự trấn an rằng áp lực của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến kết quả mà không cần đáp ứng các điều kiện của Ankara.
"Thứ nhất, Thụy Điển tự trấn an rằng dù sao họ cũng sẽ trở thành thành viên của NATO, ngay cả khi không tuân theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, Chính phủ Thụy Điển tính toán rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể duy trì lập trường 'chặn tư cách thành viên NATO' của họ trong một thời gian dài. Sai lầm thứ ba là Thụy Điển đã lợi dụng sự ủng hộ từ các thành viên NATO khác, đặc biệt là Mỹ", tờ Yeni Şafak nêu rõ.
Yeni Şafak cũng dẫn các nguồn tin cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá, trước quá trình kéo dài một năm của Thụy Điển, nước tiếp tục nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ trước hội nghị ở Vilnius, đã không thực hiện đủ các bước, nhấn mạnh rằng những cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm ngoái đã không được thực hiện.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng "việc sửa đổi hiến pháp mà Thụy Điển đã thực hiện sẽ chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi Stockholm tiến hành các bước cụ thể".
Trước hội nghị thượng đỉnh NATO, cuộc họp theo cơ chế ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan được thành lập tại Madrid năm ngoái sẽ diễn ra. Theo thông tin, các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan có kế hoạch gặp nhau tại Brussels vào ngày 6/7. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ Thụy Điển đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện quy trình trở thành thành viên cho đến Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 5/2022 đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành một phần của liên minh, cần phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên và thông qua một số thủ tục nhất định. Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid vào cuối tháng 6/2022, tất cả các nước NATO đã đồng ý cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Sau đó, quá trình phê chuẩn đơn gia nhâp ở cấp quốc hội của các quốc gia thành viên bắt đầu.
Cho đến đầu năm 2023, 28 trong số 30 quốc gia NATO đã phê chuẩn đơn của Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ muốn thông qua đơn gia nhập của Thụy Điển riêng biệt với Phần Lan. Ngày 31/3, việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan bởi tất cả các thành viên của liên minh đã hoàn tất. Ngày 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Hiện đơn gia nhập của Thụy Điển vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.