Trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ xem xét bãi bỏ việc cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự đề ra, trong bối cảnh Tokyo mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong duy trì hòa bình thế giới.
Tàu tuần dương Aegis của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản rời căn cứ Sasebo ở quận Nagasaki. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng tin Reuters ngày 21/10 đưa tin, dự thảo chiến lược an ninh quốc gia mới dự kiến sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện lần cuối vào tháng 12 tới. Định hướng chung của chiến lược này sẽ được thể hiện trong các văn bản về đường lối quốc phòng, cũng sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Dự thảo chiến lược mới ghi rõ, Nhật Bản “sẽ đóng góp tích cực hơn trước đây vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới, dựa trên quan điểm của chủ nghĩa hòa bình tích cực theo các nguyên tắc của hợp tác quốc tế”. Dự thảo cũng cho rằng, quy định cấm xuất khẩu vũ khí tồn tại hàng thập kỉ qua cần phải được xem xét lại - một động thái có thể sẽ mở đường cho ngành công nghiệp quân sự nước này bùng nổ.
Một đề xuất như vậy chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hàn Quốc - những nước vẫn hằn sâu sự tức giận do bị Nhật Bản đô hộ trong quá khứ. Bất kì một quyết định nào theo hướng tăng cường quân sự tích cực sẽ gây ra căng thẳng tại Đông Bắc Á, nhất là khi Tokyo vẫn có các tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh và Seoul.
Từ khi nhậm chức tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tăng cường vai trò quân sự để sẵn sàng đối mặt với cái mà Nhật Bản gọi là môi trường an ninh ngày một đe dọa hơn – nổi bật là sự quyết đoán từ Trung Quốc, cùng với một Triều Tiên khó đoán định.
Năm 1967, Nhật Bản từ đề ra “3 nguyên tắc” về xuất khẩu vũ khí: Cấm xuất khẩu tới các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, các nước có liên quan đến xung đột quốc tế và các nước thuộc diện cấm của Liên hợp quốc. Thế nhưng, chính điều này đã hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, làm các nhà thầu nội địa gặp khó khăn trong giảm giá thành, tiếp cận với công nghệ quân sự hiện đại. Nếu được thông qua, đây sẽ là một cú hích lớn đối với các tổ hợp như Mitsubishi Heavy Industries Ltd và Kawasaki Heavy Industries Ltd...
HT (Reuters)