Nhật-Hàn phối hợp chặt chẽ sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa

Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trên cả phương diện song phương lẫn đa phương với Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) trong việc xử lý vụ phóng thử tên lửa đạn đạo ngày 12/2 của Triều Tiên.

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (giữa) trong cuộc họp nội các ở thủ đô Seoul ngày 9/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm ngay sau có thông tin về vụ phóng thử tên lửa, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi và Đại diện đặc biệt của Hàn Quốc phụ trách vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong Kyun đã nhất trí hối thúc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ yêu cầu nước này không tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh các quan chức Nhật Bản đang phân tích vụ Triều Tiên trước đó cùng ngày phóng thử tên lửa ra Biển Nhật Bản. Một quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho rằng "chắc chắn" động thái trên của Triều Tiên là hành động cố tình khiêu khích nhằm vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một quan chức khác thuộc SDF nhận định Triều Tiên muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và không bị bỏ quên trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ. Cũng theo quan chức này, vụ thử tên lửa đạn đạo mới nói trên vào thời điểm này có thể là nhằm tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc trước thềm lễ sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào ngày 16/2.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Vụ phóng mới nhất diễn ra một ngày sau khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Abe tại Mỹ, trong đó hai lãnh đạo nhất trí phối hợp đảm bảo phòng thủ mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên, và sau một chuyến công du Hàn Quốc hồi đầu tháng của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhằm xúc tiến kế hoạch bố trí Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Trước đó, Văn phòng Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo trên được phóng từ căn cứ không quân Banghyon, thuộc tỉnh Bắc Pyongan, phía Tây Triều Tiên, và đã bay được khoảng 500 km về phía Đông, trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng đã đạt tới độ cao khoảng 550 km so với mặt biển, và dường như là loại tên lửa tầm trung Rodong mà Bình Nhưỡng từng phóng thử nhiều lần trong những năm qua, hoặc một loại tên lửa mới khác do đường đạn có độ cao bất thường.

Các đảng chính trị thuộc cả phe cầm quyền và đối lập ở Hàn Quốc ngày 12/2 đã đồng loạt lên tiếng phê phán vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước đó cùng ngày, gọi đây là một hành động khiêu khích “liều lĩnh”. Tại cuộc họp kéo dài 50 phút của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Kim Kwan-gin cho biết Seoul đã quyết định sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ với động thái trên của Triều Tiên.
 
TTXVN/Tin Tức
Tên lửa Triều Tiên vừa phóng là Rodong tầm trung
Tên lửa Triều Tiên vừa phóng là Rodong tầm trung

Ngày 12/2, quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng trước đó cùng ngày đã đạt tới độ cao khoảng 550 km so với mặt biển, và dường như là loại tên lửa tầm trung Rodong hoặc một loại tên lửa mới khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN