Trước đó, ngày 11/8, ông Justino Martinez, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học về biển ở thành phố Barcelona và Viện Nghiên cứu về quản lý biển vùng Catalonia (Tây Ban Nha) cho hay nhiệt độ bề mặt trung bình hàng ngày ở Địa Trung Hải là 28,67 độ C, gần giống với ngày 24/7/2023, khi Địa Trung Hải phá kỷ lục về nhiệt độ hàng ngày với nhiệt độ trung bình 28,71 độ C.
Lưu vực Địa Trung Hải là một trong những điểm nóng về tình trạng Trái Đất nóng lên. Trong 2 năm liên tiếp, nhiệt độ nước biển tại đây ấm hơn so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào ngày 23/8/2003, thời điểm nhiệt độ trung bình hàng ngày đạt 28,25 độ C trong bối cảnh tại khu vực trên xảy một đợt sóng nhiệt bất thường.
Theo ông Martinez, điều đáng chú ý không phải là việc nhiệt độ đạt mức tối đa vào một ngày cụ thể, mà là quan sát một khoảng thời gian dài có nhiệt độ cao, ngay cả khi nhiệt độ không phá mức kỷ lục. Từ năm 2022, nhiệt độ bề mặt ở Địa Trung Hải đã cao hơn mức bình thường trong một thời gian dài, thậm chí là vào thời điểm xảy ra biến đổi khí hậu. Năm nay, nhiệt độ bề mặt ở Địa Trung Hải đạt mức của năm 2023 muộn hơn 15 ngày và thông thường theo dự kiến sẽ giảm từ cuối tháng 8.
Theo các nhà khoa học, đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người kể từ đầu thời kỷ công nghiệp. Lượng nhiệt dư thừa này tiếp tục tích tụ dưới dạng khí nhà kính, chủ yếu từ việc đốt dầu, khí đốt và than đá. Tình trạng các đại dương nóng quá mức được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến thực vật và động vật biển, trong đó có việc khiến cho một số loài phải di trú và thúc đẩy sự phát triển của các loài xâm lấn. Điều này có thể đe dọa nguồn cá dự trữ và do vậy khiến cho an ninh lương thực suy yếu dần tại một số khu vực trên thế giới. Đại dương ấm lên cũng ít khả năng hấp thụ được khí carbon dioxide (CO2), làm gia tăng nguy cơ Trái Đất nóng lên.