Theo phóng viên TTXVN tại Washington, dữ liệu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy nhiệt độ cao hơn mức trung bình trong tháng 7/2021 đã khiến cho tháng này trở thành tháng nóng nhất thứ 13 trong 127 năm qua.
Cụ thể, theo NOAA, bang California hiện đang phải đối phó với khoảng 19 đám cháy rừng, trong đó đám cháy Dixie đã trở thành đám cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử của bang này. Ngoài ra, phần lớn bang mền Tây này cũng đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng, điều này càng làm trầm trọng thêm nạn cháy rừng.
Trong khi đó, bang Oregon cũng đang trải qua một mùa cháy rừng tồi tệ khi đám cháy Bootleg tiếp tục bùng lên sau nhiều tháng thiêu đốt khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ở phía Tây vùng Bắc Mỹ. Cả hai bang trên cũng như bang Nevada và bang Washington đều đang phải đối phó với tình trạng khô hạn ở mức độ từ “nghiêm trọng” đến “đặc biệt”. Ngoài ra, 34 bang ở khu vực Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ cũng hứng chịu thời tiết nắng nóng.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo báo cáo mới nhất về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), thế giới có thể sẽ sớm hứng chịu những thiệt hại không thể phục hồi do tình trạng Trái Đất nóng lên.
Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ vừa công bố báo cáo về sự nóng lên toàn cầu trong bối cảnh xảy ra ngày càng nhiều các kiểu thời tiết cực đoan đe dọa đến cuộc sống người dân. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với loạt điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra. Dựa trên hơn 140.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết về cách thức biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên và những gì có thể xảy ra trong tương lai. Các nhà khoa học đã lấy ví dụ về các điều kiện thời tiết cực đoan để cho thấy sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tại bang California, Mỹ, chỉ riêng trong ngày 9/8, đã có 200.342 ha rừng bị thiêu rụi trong khi tại Venice (Italy), khách du lịch phải lội qua những vùng nước sâu ở Quảng trường St.Mark.
Theo giới chuyên gia, con người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay và hành động nhanh chóng để cắt giảm khí phát thải nhà kính. Trong trường hợp các nước không thể thực hiện mục tiêu này, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt mức tăng 1,5 độ C trong vòng 20 năm nữa.