Trả lời phỏng vấn đài TVOne, hành khách Alon Soetanto cho biết máy bay bất ngờ hạ độ cao một vài lần chỉ trong vài phút đầu cất cánh.
“Sự cố xảy ra trong khoảng 3 đến 8 phút sau khi cất cánh, tôi cảm giác máy bay mất khả năng kiểm soát và không thể bay cao được. Sự cố xảy ra một vài lần trong suốt chuyến bay. Chúng tôi cảm giác như đi trên tàu lượn vậy. Một số hành khách bắt đầu cảm thấy hoảng sợ và nôn mửa”.
Lời tiết lộ của hành khách Alon trùng khớp với dữ liệu chuyến bay ghi nhận tốc độ, độ cao và hướng bay khác thường trong một vài phút đầu sau khi máy bay cất cánh.
Trong một bài đăng trực tuyến, người dẫn chương trình Conchita Caroline có mặt trên chuyến bay tối 28/10 tường thuật chuyến bay bị trễ hơn 1 tiếng đồng hồ. Hành khách phải ngồi chờ trong cabin ít nhất 30 phút không điều hòa và nghe thấy tiếng gầm “bất thường” từ động cơ. Một vài trẻ em nôn mửa vì không gian ngột ngạt và nóng nực. Cho đến khi hành khách tức giận phản đối, thành viên phi hành đoàn mới cho hành khách xuống máy bay trong thời gian khắc phục sự cố.
Tiếp tục chờ đợi thêm 30 phút, các hành khách được hướng dẫn quay trở lại máy bay. Caroline đã phản ánh với một tiếp viên và nhận được một tờ chứng nhận cho phép bay, nói rằng vấn đề đã được khắc phục.
Sáng 29/10, chiếc máy bay chở khách Boeing 737 MAX 8 số hiệu JT-610 của hãng hàng không Lion Air xuất phát từ thủ đô Jakarta chở theo 189 người bất ngờ lao xuống biển chỉ sau 13 phút cất cánh.
Theo dữ liệu ghi nhận trên FlightRadar24, chỉ hai phút sau khi cất cánh, cơ trưởng Suneja đã nhận thấy điều bất thường liên quan đến vấn đề kỹ thuật và liên lạc với trạm kiểm soát không lưu yêu cầu được quay về điểm xuất phát. Yêu cầu được chấp thuận.
Thời điểm đó, độ cao máy bay là 610 m. Sau đó, máy bay hạ độ cao hơn 152 m, vòng về bên trái và bắt đầu kéo máy bay lên độ cao 1.500 m. Tốc độ cuối cùng ghi nhận được trước khi mất tích là 640 km/h ở độ cao 1.113m.
Theo Edward Sirait - Giám đốc điều hành Lion Air, vào tối 28/10, phi công của chiếc máy bay Boeing 737 MAX khi đó đang trên hành trình từ Denpasar tới Jakarta đã báo cáo máy bay có gặp một vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh các kỹ sư đã khắc phục được sự cố và đảm bảo máy bay hoàn toàn an toàn khi cất cánh vào sáng 29/10.
Giới chức Indonesia khẳng định phải tìm được hộp đen máy bay mới xác định được nguyên nhân tai nạn. Hãng tin AP đưa tin sáng 31/10, đội cứu hộ đã xác định được vị trí của máy bay mang số hiệu JT-610 rơi xuống biển Java. Quan chức An toàn Vận tải Indonesia cho biết đội cứu hộ tối 30/10 có nghe được một tiếng "ping" - âm thanh phát ra từ hộp đen máy bay và do thiết bị định vị thủy âm phát hiện khi máy bay gặp tai nạn.