Theo trang The Guardian (Anh), ông Patrick Münz, người đứng đầu Tổ chức cứu trợ y tế Cadus của Đức tại Gaza, cho biết xe cứu thương cần được tiếp cận khẩn cấp để đưa những bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất đi điều trị chuyên khoa.
Do không có đơn vị chăm sóc đặc biệt nào hoạt động ở phía Bắc Gaza, nên những người Palestine bị thương nặng nhất trong các cuộc không kích và giao tranh trên bộ của Israel đã thiệt mạng.
Các nhân viên y tế nói rằng hàng chục bệnh nhân tại 2 bệnh viện đang hoạt động ở thành phố Gaza sau khi bị cắt chân hoặc bị bỏng nặng có thể sống sót nếu họ được điều trị tại Rafah hoặc nơi nào đó ở Gaza.
Cadus đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới để đưa xe cứu thương vào miền Bắc Gaza giúp người dân sơ tán, cùng các đoàn xe viện trợ của Liên hợp quốc chở thực phẩm hoặc vật tư y tế.
“Chúng tôi sẽ vận chuyển những bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt có tình trạng ổn định trước tiên”, ông Münz nói và cho biết không có phương tiện vận chuyển nào vào khu vực này trong hơn 1 tháng qua.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) đã tạm dừng hoạt động sơ tán sau khi các nhân viên trên đoàn xe hỗ trợ y tế liên tục bị tấn công, bị quấy rối và giam giữ.
PRCS cũng cáo buộc Israel cố tình nhắm vào xe cứu thương sau khi quân đội này chấp thuận sứ mệnh giải cứu. Tuy nhiên, Israel khẳng định quân đội của họ không có mặt trong khu vực vào thời điểm đó.
Ngay cả đối với các nhân viên cứu trợ quốc tế, việc đi vào thành phố Gaza cũng rất nguy hiểm và đầy thách thức về mặt hậu cần. Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã tạm dừng triển khai các đoàn xe chở lương thực tới Gaza vào tháng 2 sau khi một người bị Israel bắn trúng. Tuy nhiên, UNRWA khẳng định nhu cầu đưa bệnh nhân ra ngoài là cấp thiết.
Trong khi đó, Cadus chưa được phép đưa xe cứu thương vào Gaza. Liên hợp quốc và văn phòng đối ngoại Đức đang vận động Chính phủ Israel phê duyệt yêu cầu này. Ông Münz cho biết hiện tại họ đang sử dụng các phương tiện của PRCS.
“Tuy nhiên, điều này cũng gây ra rủi ro vì xe cứu thương PRCS đã trở thành mục tiêu”, ông Münz nói.
Sau nhiều tháng giao tranh, các con đường cũng đã bị hư hại nặng nề. Tổ chức từ thiện này cũng cần chuẩn bị cho các sự cố, bao gồm trang bị thêm lốp dự phòng khi phần lớn tuyến đường đi qua “vùng đỏ”, nơi vẫn đang diễn ra giao tranh.
Hơn nữa, có thể có người bị thương dọc đường và không phải lúc nào họ cũng có thời gian hoặc nguồn lực để dừng lại, khi nhiệm vụ chính của các nhân viên là sơ tán bệnh nhân từ bệnh viện.
“Có khả năng xảy ra thương vong hàng loạt trên đường đi, những người bị thương nặng nằm trên đường vì họ bị bắn hoặc bất cứ thứ gì. Vì vậy, tinh thần của toàn đội cứu trợ cũng sẽ gặp khó khăn”, ông nói.
Ông Münz hy vọng cuộc sơ tán đầu tiên sẽ sớm diễn ra. WHO đã gửi danh sách bệnh nhân trong đề nghị sơ tán cho quân đội Israel, song dự kiến phải mất từ 2 đến 4 ngày mới được phê duyệt. Sau đó, quân đội Israel sẽ đưa ra thời gian và lộ trình sơ tán.
Đầu tuần này, một nhóm cứu trợ của Cadus đã đến bệnh viện al-Shifa để thực hiện nhiệm vụ. Bệnh viện al-Shifa là một trong hai bệnh viện vẫn hoạt động ở Gaza, phục vụ khoảng 300.000 người bị mắc kẹt ở phía Bắc Gaza.
Cadus cũng đã hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp ở Ukraine, Iraq, Syria, Bosnia và Địa Trung Hải. Tổ chức này bắt đầu sứ mệnh ở Gaza vào đầu tháng 2, mở trung tâm ổn định chấn thương ở quận Khan Younis. Bệnh nhân từ đây được chuyển đến Rafah, nơi có bệnh viện dã chiến được trang bị tốt hơn và một số có thể được chuyển đến Ai Cập.