Ngày 19/2 vừa qua, xác cá voi có chiều dài 13 - 14m và nặng 25 - 30 tấn đã được tìm thấy ở vịnh Osaka. Cá voi này đã bị mắc cạn trong vịnh từ cuối tháng 1 vừa qua. Trước đó 1 tuần, người dân đã nhìn thấy con cá voi này ở ngoài khơi thành phố Kobe, tỉnh Hyogo. Hồi tháng 1/2023, một con cá voi khác dài 15m đã chết sau khi vùng vẫy gần cửa sông Yodo ở Osaka.
Cơ quan quản lý cảng địa phương cho biết tất cả cá voi đi lạc vào vịnh Osaka đều đã chết sau khi không thể quay trở lại Thái Bình Dương. Có thể dùng âm thanh kim loại để xua cá voi ra xa, nhưng cách làm này có thể kích động cá voi nên không phải là giải pháp lý tưởng.
Chủ tịch Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Osaka, ông Yasunobu Nabeshima cho rằng số lượng cá voi đi vào vịnh Osaka ngày càng nhiều là do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến chênh lệch nhiệt độ giữa Thái Bình Dương và vịnh Osaka giảm. Ngoài cá voi, cá heo và rùa biển cũng xuất hiện nhiều hơn trong vịnh.
Hơn nữa, cấu trúc phức tạp của vịnh Osaka cũng khiến cá voi dễ bị mắc kẹt. Cảng Sakai-Semboku - nơi xác cá voi được tìm thấy vào ngày 19/2 - dẫn đến lối cụt.
Ông Nabeshima cho biết cá voi sử dụng sóng âm thanh để định hướng và khi đi vào vịnh Osaka chúng không thoát ra được. Do vậy, chính quyền địa phương cần hợp tác với các tổ chức nghiên cứu để tiến hành khảo sát sinh thái trong vịnh nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả cho tình trạng này.