Năm 14 tuổi, Christopher James Dawleys, được bạn bè và gia đình gọi là CJ, đăng ký tài khoản trên Facebook, Instagram, Snapchat và bắt đầu đăng tải hình ảnh cuộc sống trên các trang mạng.
Từng là một ứng viên được nhiều trường đại học săn đón nhưng trong suốt thời trung học, CJ hình thành thói quen lên mạng và bắt đầu nghiện mạng xã hội. Mẹ của cậu, bà Donna Dawleys, cho biết đến cuối cấp, dường như lúc nào cậu cũng dán mắt vào điện thoại và thức đến 3h sáng để nhắn tin, trao đổi hình ảnh. Cậu bé bị thiếu ngủ và bị ám ảnh bởi những bức hình của bản thân.
Ngày 4/1/2015, khi gia đình còn đang bận rộn tháo dỡ trang trí cây thông Noel, CJ vào phòng và dùng một khẩu súng tự bắn mình. Lúc đó, cậu bé mới 17 tuổi. Cảnh sát tìm thấy một di thư để trong lại phong bì mời nhập học của một trường đại học. Cha mẹ cậu nói CJ chưa bao giờ biểu hiện bị trầm cảm hay có ý định tự tử.
“Khi chúng tôi tìm thấy thằng bé, điện thoại của nó vẫn bật, máu chảy lên đó. Thằng bé nghiện mạng xã hội đến mức khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời thằng bé vẫn đăng lên mạng xã hội”, bà Donna chia sẻ.
Gia đình Dawleys là một trong những gia đình đã nộp đơn kiện gần đây chống lại một số công ty truyền thông, cho rằng các nền tảng xã hội là một yếu tố chính dẫn đến quyết định kết liễu cuộc đời của các thanh thiếu niên. Đơn kiện của gia đình Dawleys đệ trình vào tuần trước nhắm vào Snap và Meta, công ty mẹ của Facebook. Gia đình cáo buộc hai công ty đã sử dụng các thuật toán như một phần trong nỗ lực tối đa hóa thời gian dành cho nền tảng với mục đích quảng cáo và thu lợi nhuận, dẫn đến việc gây nghiện cho người dùng.
Các đơn kiện chỉ ra các nền tảng xã hội đã thành công khai thác khả năng ra quyết định và kiểm soát của thanh thiếu niên vì “sự phát triển não bộ giai đoạn này vẫn chưa hoàn thiện”.
Donna cho biết cô và chồng tin rằng sức khỏe tinh thần của CJ đã chịu tác động trực tiếp từ bản chất gây nghiện của các trang mạng xã hội. Trước đó, Frances Haugen – một cựu nhân viên của Facebook – đã tiết lộ hàng trăm tài liệu nội bộ cho thấy công ty này đã được báo cáo về việc Instagram có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý con người.
“Suốt 7 năm qua chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Làm sao mà các anh có thể cho ra đời một sản phẩm mà biết rõ chúng sẽ gây nghiện”, Donna bức xúc, cho rằng các công ty mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm trước thực trạng này.
Một số gia đình giờ đây đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ tòa án nhằm gây sức ép buộc các công ty công nghệ thay đổi cách mà mạng xã hội hoạt động.
“Tiền không phải là nguyên do mà vợ chồng cô Donna khởi kiện. Cách duy nhất để buộc các công ty truyền thông xã hội thay đổi thuật toán của mình là bắt họ phải trả giá cho những gì mà sản phẩm nguy hại của họ gây ra”, Matthew Bergman, luật sư đại diện cho nhà Dawleys, giải thích.
Trong một tuyên bố trước CNN, người phát ngôn của Snap bà Katie Derkits nói không thể bình luận điều gì về các vụ kiện song “xin chia buồn với các gia đình có người thân tự tử”.
"Chúng tôi muốn xây dựng Snapchat khác với các nền tảng xã hội truyền thống để trở thành một nơi mọi người kết nối với bạn bè thực sự. Không có gì quan trọng hơn sự an toàn và hạnh phúc của cộng đồng”, bà Katie nhấn mạnh.
Meta cũng từ chối bình luận về các đơn kiện song cho biết công ty hiện cung cấp một loạt công cụ ngăn chặn tự tử, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo phát hiện các nội dung liên quan đến tự tử.
Jennifer Mitchell, một bà mẹ có con trai Ian 16 tuổi đã tử vong sau một phát súng tự sát trong khi sử dụng Snapchat, cũng đang làm việc với Trung tâm Luật Nạn nhân trên Mạng xã hội đệ đơn kiện Snap. Bà hy vọng vụ kiện sẽ làm cho nhiều phụ huynh nhận thức được sự nguy hiểm của mạng xã hội và khuyến khích các nhà lập pháp điều chỉnh luật đối với các trang mạng này.
“Nếu chúng ta có thể đặt giới hạn độ tuổi đối với rượu, thuốc lá và mua súng, thì cần phải làm gì đó đối với mạng xã hội”, bà Mitchell cho hay. Hiện yêu cầu độ tuổi đăng ký tài khoản của Snapchat là trên 13 tuổi.
Ông Carl Tobias, giáo sư tại Đại học Luật Richmond, tin rằng những vụ kiện nhằm vào các dịch vụ mạng xã hội sẽ được tòa giải quyết bất chấp những thách thức không thể tránh khỏi.
“Vấn đề là rất khó để chứng minh hội chứng nghiện mạng xã hội cướp đi mạng sống của ai đó hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người nào đó. Nhưng trong một vài trường hợp nhất định, các thẩm phán và bồi thẩm đoàn có thể cởi mở hơn trong việc tìm kiếm trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại”, Giáo sư Tobias cho hay.
Luật sư Bergman dự đoán sẽ là một "cuộc chiến dài hơi" ở phía trước khi bước vào vụ kiện nhằm vào các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Donna cho biết lần cuối cùng cô nhìn thấy con trai là vào ngày cậu qua đời. Cậu bé nhìn điện thoại và tỏ ra buồn bã. "Tôi chỉ ước mình có thể nắm lấy thằng bé và ôm nó”, người mẹ hồi tưởng.
“Vụ kiện này không phải để thắng hay thua. Chúng tôi đều là những người thua cuộc. Nhưng nếu chúng tôi có thể khiến họ thay đổi thuật toán, và có những đứa trẻ được cứu - thì điều đó thật xứng đáng”, luật sư Bergman kết luận.