Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, thông báo của Ethiopian Airlines sẽ khiến lưu lượng hành khách di chuyển giữa châu Phi và Trung Quốc giảm đi đáng kể. Hãng hàng không này là kênh vận tải quan trọng giữa "Lục địa Đen" và Trung Quốc, mỗi ngày vận hành 6 chuyến bay đến 6 thành phố của Trung Quốc, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh, Quảng Châu và Hàng Châu.
Trước đó, tháng 12/2019, Ethiopian Airlines, hiện sở hữu 121 máy bay, thông báo kế hoạch mở đường bay đến Thâm Quyến và Trịnh Châu trong thời gian tới, nâng tổng đường bay nối giữa thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến các thành phố tại Trung Quốc Đại lục lên 7 chuyến mỗi ngày.
Nhiều hãng hàng không quốc tế khác cũng đã đình chỉ, thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh. Hôm 29/1, American Airlines Group của Mỹ cũng thông báo tạm dừng các chuyến bay từ Los Angeles đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Delta Air Lines cùng ngày cũng quyết định giảm một nửa số chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc xuống còn khoảng 21 chuyến/tuần.
Ngoài ra, Air Canada cũng cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay trực tiếp đến Bắc Kinh và Thượng Hải từ ngày 30/1 đến ngày 29/2. Trước đó, đầu tuần, hãng hàng không của Canada dự định sẽ chỉ hủy một số trong số 33 chuyến bay hằng tuần đến Trung Quốc.
Trong khi đó, các hãng hàng không châu Âu như Lufthansa của Đức tuyên bố tạm ngừng khai thác đường bay tới Trung Quốc cũng như của các công ty con là Swiss và Austrian Airlines đến và đi từ Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Hãng Air France-KLM của Pháp cũng sẽ giảm lịch bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải trong tuần này. Iberia Airlines, một thành viên của tập đoàn hàng không IAG Group cùng với British Airways, cho biết họ đang tạm thời đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Thượng Hải.
Trước đó, ngày 29/1, Lion Air của Indonesia thông báo dừng khai thác các đường bay thẳng đến Trung Quốc. IndiGo của Ấn Độ cũng tạm dừng các chuyến bay đến Thành Đô và Hong Kong (Trung Quốc).
Dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới (2019-nCoV) được đánh giá là mối đe dọa dịch tễ lớn nhất đối với ngành hàng không toàn cầu kể từ khi dịch bệnh Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát hồi năm 2002-2003, khiến nhu cầu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không tại châu Á giảm tới 45%.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu với báo giới ngày 30/1, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định nguy cơ nhiễm virus 2019-nCoV đối với người dân tại Canada hiện ở mức thấp.
Trong khi đó, số công dân Canada đang chờ đợi được ra khỏi Trung Quốc đã lên tới con số gần 200 người tính đến ngày 30/1. Các chuyến bay trực tiếp cuối cùng giữa Canada với Bắc Kinh và Thượng Hải, trước khi hãng hàng không Air Canada tạm ngừng bay tới Trung Quốc, đã hạ cánh ở Montreal và Toronto. Giới chức Canada cho biết 196 công dân Canada đang có mặt ở Vũ Hán – “tâm chấn” của dịch bệnh – đã đề nghị được hỗ trợ để trở về Canada.
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne trong một phát biểu ngày 29/1 cho biết chính phủ nước này đang triển khai công tác hậu cần để đưa các công dân Canada muốn rời Trung Quốc về nước và đã bố trí một máy bay để thực hiện kế hoạch này. Các nước như Mỹ và Nhật Bản đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán. Tuy nhiên, Vũ Hán và số địa phương khác hiện đã bị phong tỏa. Theo ông Philippe Champagne, đây là một trong những khó khăn mà chính phủ Canada đang nỗ lực đàm phán với chính phủ Trung Quốc.
Giới chức y tế Canada đã xác nhận 3 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV, trong đó có cặp vợ chồng trở về Toronto từ Vũ Hán và một người đàn ông ở bang British Columbia.