Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nhiều nhân vật trong đó có giới lập pháp và người nổi tiếng đã kêu gọi các công ty công nghệ “cấm cửa” nhà lãnh đạo Mỹ khỏi các nền tảng mạng xã hội vì thường đăng thông tin sai lệch.
Hôm 6/1, sau khi Twitter thông báo đã khóa tài khoản trên 88 triệu người theo dõi của Tổng thống Trump, Facebook đã có động thái tương tự với tài khoản chính thức của nhà lãnh đạo Mỹ với trên 35 triệu người theo dõi. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã đăng một loạt dòng trạng thái vào ngày xảy ra hỗn loạn tại trụ sở Quốc hội.
Mới đây nhất, ngày 13/1, trang dịch vụ chia sẻ video YouTube của tập đoàn Alphabet Inc đã tiếp nối làn sóng "quay lưng" với ông Trump. YouTube cho biết đã xóa nội dung mới được đăng trên kênh của Tổng thống Trump với lý do nội dung này vi phạm các chính sách về kích động bạo lực.
YouTube nêu rõ kênh của Tổng thống Trump đã bị cấm đăng các video mới hoặc phát trực tiếp trong tối thiểu 7 ngày và lệnh cấm này có thể sẽ được gia hạn.
Theo kênh truyền hình The Drum của Australia, TikTok, Snapchat, Pinterest và Reddit cũng nằm trong danh sách những nền tảng mạng xã hội đã vô hiệu hóa hoặc "cấm cửa" ông Trump.
Trước đây, các công ty công nghệ lớn như Twitter và Facebook đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì không có chính sách chặt chẽ hơn để chống vấn nạn lan truyền tin giả. Sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ tuần trước, nhiều người cảm thấy lệnh cấm trên đối với ông Trump là quá muộn màng và ít ỏi.
Thời gian gần đây, mạng xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ để thông tin giả mạo lan truyền xuyên suốt đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng các sự kiện lớn khác như Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ.