Nhiều ngân hàng dự đoán năm 2022 giá dầu thế giới đạt mức 3 con số

Theo các nhà quan sát, bản thân nhiều nước trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thiếu khả năng đẩy mạnh sản lượng. Những quốc gia khác có năng lực bơm thêm dầu lại đang giảm dư thừa công suất toàn cầu từ đó gây rủi ro bùng phát gián đoạn nguồn cung và khiến giá dầu tăng thêm.

Chú thích ảnh
Một nhà máy lọc dầu tại Deer Park, Texas (Mỹ). Ảnh: AP

Kênh RT (Nga) cho biết hầu hết năng lực dư thừa công suất toàn cầu nằm trong tay hai thành viên của OPEC là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Dư thừa công suất là năng lực sản xuất hơn mức đang được khai thác hiện tại.

Bất ổn tại Kazakhstan và Libya trong tháng qua đã phản ánh thách thức thị trường dầu mỏ phải đối mặt nếu dư thừa công suất tiếp tục thuyên giảm. Vấn đề với OPEC+ là chỉ có một vài nhà sản xuất có thể duy trì dư thừa công suất khi nâng sản lượng, như Saudi Arabia, UAE, Kuwait và có thể bao gồm cả Iraq.

Mỹ, Canada cùng Brazil đều không thuộc OPEC và dự kiến nâng sản lượng khai thác dầu trong năm 2022. Với dự đoán nhu cầu về dầu mỏ trong năm nay có thể vượt mức trước khi COVID-19 bùng phát, việc dư thừa công suất thấp và đầu tư thượng nguồn thấp trong những năm gần đây đang tạo tiền đề cho giá dầu tăng cao.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ước tính dư thừa công suất của OPEC+ sẽ giảm chỉ còn 2,3 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2022. Đây được coi là mức dư thừa công suất thấp nhất kể từ cuối năm 2018.

Ông Francisco Blanch tại Ngân hàng Mỹ nhận định với Bloomberg rằng nguồn cung của Nga sẽ ổn định trong 2 tháng tới và dầu mỏ có thể đạt giá ở mức 3 con số vào quý 2/2022. Cũng theo ông Blanch, nhu cầu về “vàng đen” đang khôi phục trong khi nguồn cung của OPEC+ cũng ổn định trong 2 tháng tới.

Một số nhà sản xuất tại OPEC gần đây nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng OPEC+ dự kiến gặp khó khăn trong tăng nguồn cung và giá dầu có khả năng đạt mức 100 USD/thùng.

Nhiều ngân hàng lớn tại Phố Wall cũng cho rằng dư thừa công suất giảm và năng lực đi xuống của OPEC+ trong đẩy mạnh sản xuất sẽ dẫn đến giá dầu đạt mức 3 con số.

Ngân hàng Goldman Sachs trong tháng 1 dự đoán giá dầu có thể đạt mức 100 USD/thùng vào năm nay và tăng lên 105 USD/thùng vào năm 2023. Goldman Sachs trích dẫn các lý do là sự thay thế từ khí đốt sang dầu; thất vọng về nguồn cung; nhu cầu mạnh hơn dự kiến vào quý 4 năm 2021; hàng tồn kho của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè. Bên cạnh đó, dư thừa công suất của OPEC+ theo Goldman Sachs sẽ xuống mức chỉ 1,2 triệu thùng/ngày.

JP Morgan (Mỹ) lại cho rằng giá dầu có thể lên tới 125 USD/thùng vào năm nay và 150 USD/thùng vào năm 2023.

Hà Linh/Báo Tin tức
Saudi Arabia hối thúc OPEC+ tiếp tục hợp tác vì sự ổn định của thị trường dầu mỏ
Saudi Arabia hối thúc OPEC+ tiếp tục hợp tác vì sự ổn định của thị trường dầu mỏ

Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulziz cho biết, nước này mong muốn tiếp tục hợp tác với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, vì liên minh này đóng vai trò then chốt trong việc ổn định thị trường dầu mỏ, đồng thời kêu gọi các nước thành viên tuân thủ cam kết vì sự ổn định của thị trường dầu toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN