Theo tờ Business Insider, sáng sớm 23/4 tại Sudan, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các lực lượng quân đội Mỹ đã sơ tán 70 nhân viên và thành viên gia đình khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Sudan khi đất nước này rơi vào hỗn loạn do tranh giành quyền lực.
Tuy nhiên, ngày 21/4 trước đó, Mỹ cho biết sẽ không sơ tán khoảng 16.000 công dân Mỹ vẫn còn ở Sudan. Ông Vedant Patel, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã khuyên người Mỹ không nên đến Sudan từ tháng 8/2021 và cảnh báo an ninh của Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum vào ngày 16/4 nói rằng do tình hình an ninh không chắc chắn ở Khartoum và do đóng cửa sân bay, vì vậy người Mỹ không nên kỳ vọng vào cuộc sơ tán do chính phủ Mỹ điều phối vào thời điểm này. Điều bắt buộc là công dân Mỹ ở Sudan phải tự sắp xếp để giữ an toàn trong những hoàn cảnh khó khăn này”.
Do đó, theo một thông tin từ tờ The Wall Street Journal (WSJ), một số công dân Mỹ đã tự thuê an ninh tư nhân. Công ty Global Guardian là một công ty cung cấp dịch vụ kiểu này.
Ông Dale Buckner, Giám đốc điều hành Global Guardian, cho biết nhân viên của công ty này đã hộ tống hàng chục người nước ngoài đến các nước láng giềng của Sudan, đôi khi phải tìm cách né tránh súng đạn.
Ông Buckner nói với tờ WSJ: “Các đội cứu hộ của chúng tôi phải đi qua hàng chục trạm kiểm soát trong khu vực chiến sự đang diễn ra. Chúng tôi có hàng trăm khách hàng khác đang chờ đợi. Nhưng tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm”.
Global Guardian là công ty gồm những người từng tham gia các chiến dịch quân sự đặc biệt và cựu nhân viên thực thi pháp luật liên bang. Họ cung cấp các dịch vụ quốc tế, trong đó có bảo vệ tài sản, an ninh cá nhân và sơ tán từ Sudan đến Ai Cập và Eritrea trong tuần qua. Công ty này trước đây đã giúp sơ tán công dân Ukraine khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Ông Buckner là một cựu quân nhân làm việc 24 năm trong Lục quân Mỹ, từng làm nhiệm vụ ở Iraq, Afghanistan, Kuwait, Colombia, Cuba, El Salvador, Chile, Panama và Haiti.
Theo ông Buckner, các nhân viên của Global Guardian cho biết lực lượng bán quân sự có vũ trang xuất hiện tại nhiều trạm kiểm soát ở Sudan, trong khi đó nhiều cây cầu bị sập và không phận bị đóng cửa đối với máy bay dân sự. Sau 48 giờ đầu tiên đưa mọi người đến các quốc gia láng giềng là Ai Cập và Eritrea, ông Buckner nhận định tình hình trở nên khó khăn hơn đối với các nhân viên công ty này. Họ phải chờ lệnh ngừng bắn tạm thời để đưa mọi người ra khỏi Sudan.
Ông Buckner cho rằng một vài nỗ lực ngừng bắn đầu tiên có thể thất bại vì những người ở cấp thấp nhất không thực sự nhận được thông báo ngừng bắn và do đó cuộc chiến vẫn tiếp tục. Cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn nước và bệnh viện đang là mục tiêu của cuộc giao tranh tại Sudan.
Việc đi lại trở nên khó khăn hơn do sân bay ở Khartoum bị đóng cửa. Những người tìm cách chạy khỏi Sudan phải đối mặt với những con đường nguy hiểm khó tiếp cận, phải đi quãng đường dài mới tới biển và các quốc gia láng giềng mà một số nơi có thể thù địch với công dân Mỹ, như Eritrea.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Michael McCaul cho biết trong một tuyên bố liên quan đến cuộc xung đột Sudan: “Không muốn lặp lại những sai lầm trong cuộc sơ tán ở Afghanistan, tôi đề nghị làm rõ một số vấn đề chính cần thiết để sơ tán thành công công dân Mỹ ở Sudan”.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi làm rõ thông tin từ nhiều phía, Nhà Trắng vẫn giữ kế hoạch không can thiệp đối với những người Mỹ bị mắc kẹt trong cuộc xung đột ở Sudan. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói: “Sơ tán công dân Mỹ sống ở nước ngoài không phải là quy trình tiêu chuẩn của chúng ta. Afghanistan chỉ là một tình huống đặc biệt vì nhiều lý do”.
Trước đó, ngày 24/4, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ đang triển khai thêm lực lượng hải quân ở thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ, cách Khartoum khoảng 850 km, để hỗ trợ đưa công dân Mỹ tại Sudan về nước, song công tác sơ tán sẽ không diễn ra trên quy mô lớn.
Cùng ngày, Pháp và Đức thông báo họ đã sơ tán khoảng 700 người mà không cung cấp thông tin chi tiết về quốc tịch. Mới đây Ai Cập tuyên bố đã đưa 436 công dân về nước an toàn bằng đường bộ.
Jordan cho biết 4 máy bay của nước này đã chở 343 người, bao gồm công dân Jordan và người dân Palestine, Iraq, Syria và Đức rời khỏi Sudan. Một số quốc gia cử máy bay quân sự từ Djibouti để đưa người dân ra khỏi thủ đô.
Indonesia cho biết cho đến nay trên 500 công dân đã được sơ tán đến thành phố Port Sudan và đang chờ được đưa đến thành phố Jeddah (Saudi Arabia).
Trong khi đó, Trung Quốc, Đan Mạch, Liban, Hà Lan, Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng cho biết họ đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân khẩn cấp. Nhật Bản thông báo họ đang chuẩn bị đưa một nhóm sơ tán rời khỏi Djibouti.
Cuối tuần qua, trên 1.000 công dân của Liên minh chuâ Âu đã được sơ tán khỏi Sudan.
Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của nhóm bán quân sự RSF đều đang tìm cách giành quyền lực ở Sudan. Xung đột nổ ra 2 năm sau khi lực lượng của hai vị tướng này cùng nhau thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Sudan. Tuy nhiên, hai lực lượng này đã thất bại trong các cuộc đàm phán để hợp nhất và thành lập một chính phủ dân sự sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Bạo lực bất ngờ bùng phát giữa hai lực lượng vào ngày 15/4 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến ít nhất 420 người thiệt mạng.