Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo cung cấp, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.
Ông Sriram Ramamurthy - Giám đốc cửa hàng Iqbal Halal Foods ở thành phố Toronto (Canada) cho biết nhu cầu gạo tăng ngay lập tức, sau khi Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo hôm 20/7 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn kênh CBC News của Canada, ông cho biết: “Họ đổ xô đến đây và ngày càng muốn mua nhiều hơn”. Cửa hàng của ông đã thực hiện chính sách giới hạn lượng mua, theo đó mỗi khách hàng chỉ có thể mua một bao gạo. Tuy nhiên, "kế sách" đã nhanh chóng bị vô hiệu hóa khi khách hàng dẫn theo nhiều thành viên trong gia đình để có thể mua được lượng gạo tối đa. Thậm chí họ thuyết phục cả những khách hàng khác mua hộ gạo cho mình.
Để bình ổn giá gạo và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, điều này khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng giá gạo tăng vọt và những lệnh cấm bổ sung trong tương lai.
Ông Ramamurthy cho biết hiện cửa hàng của ông chưa tăng giá gạo, nhưng ông cũng cho rằng điều này là khó tránh khỏi khi các nhà cung cấp cho Iqbal Halal Foods đang rục rịch tăng giá.
Không chỉ có Iqbal Halal Foods, nhiều cửa hàng khác phục vụ cộng đồng người Nam Á tại Canada, Mỹ, Australia... cũng báo cáo tình trạng tương tự. Nhiều đoạn ghi hình lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhu cầu tích trữ gạo của người dân đang cao chưa từng có, tuy nhiên tính xác thực của những video này hiện chưa được xác minh.
Số liệu thống kê cho thấy giá gạo tẻ thường tại Ấn Độ đã tăng gần 10% trong tháng 7 này. Nếu như vào tháng 9 năm ngoái, một tấn gạo tẻ thường ở Ấn Độ có giá khoảng 330 USD, thì hiện tại đã lên tới 450 USD. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% xuất khẩu gạo trên toàn cầu.