Mới đây nhất, đêm 17/6, một quả bom đã phát nổ trước ngôi nhà của Hassan Shaalan, một phóng viên người Arab làm việc cho báo điện tử Ynetnews. Rất may đã không xảy ra thương vong về người, nhưng vụ nổ gây hư hại nặng nề cho ngôi nhà. Trước đó 2 tuần, chính ngôi nhà của phóng viên này đã bị một số kẻ giấu mặt xả súng. Vụ việc đang được điều tra, thủ phạm và lý do tấn công vẫn chưa rõ. Sau vụ này, Hiệp hội Nhà báo Israel đã tuyên bố “việc khủng bố và gây hại tới nhà báo đã vượt lằn ranh đỏ và là một đòn giáng mạnh vào lợi ích của công chúng”.
Ngoài nguy hiểm bom đạn, nguy cơ bị hành hung và đe dọa tính mạng khi đưa tin từ các thành phố nơi xảy ra xung đột giữa các cộng đồng dân cư cũng là một nỗi lo thường trực với các phóng viên, nhà báo. Tâm lý thù ghét lẫn nhau ở các thành phố có hai cộng đồng người Do Thái và Arab cùng chung sống khiến những kẻ quá khích đập phá cửa hàng, xe cộ, thậm chí gây hấn và tấn công các phóng viên đưa tin tại hiện trường. Trong một số trường hợp nhạy cảm, phóng viên còn bị chính lực lượng an ninh dùng vũ lực để cản trở tác nghiệp.
Không chỉ bị tấn công tại hiện trường, một số nhà báo tại Israel đã bị đe dọa với lý do đưa tin không cân bằng, hoặc không ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas. Một số nhà báo của kênh truyền hình Channel 12 cho biết họ đã nhận được những tin nhắn khủng bố tinh thần, bao gồm cả đe dọa tính mạng, từ những kẻ cực hữu. Một vài kẻ còn lập nhóm trên xã hội để chửi bới, dọa nạt nhà báo và kích động nhau tấn công các phóng viên. Thực trạng đáng lo ngại này buộc các cơ quan báo chí lớn của Israel phải kêu gọi hai mạng xã hội Facebook và Twitter tăng cường kiểm duyệt và ngăn chặn các thông điệp tính kích động, tụ tập nhau tấn công các nhà báo.
Theo thống kê của Liên minh Nhà báo Israel (UJI), đã có ít nhất 20 phóng viên các cơ quan báo chí, bao gồm cả phóng viên Do Thái và phóng viên người Arab, bị tấn công hoặc bị đe dọa kể từ đầu tháng 5/2021, thời điểm các cuộc bạo lực xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát Israel ở Jerusalem bắt đầu nóng lên. UJI cho biết, trước “các vụ tấn công ở mức chưa từng thấy”, một số tòa soạn có điều kiện đã cử thêm vệ sĩ để hỗ trợ phóng viên trong lúc tác nghiệp.
Tổ chức “Con mắt thứ bảy”, một cơ quan theo dõi, giám sát hoạt động báo chí cho biết hầu hết các vụ tấn công vào phóng viên là do các phần tử tôn giáo Do Thái quá khích gây ra, mặc dù thực tế có thể một phần là do các phóng viên Israel thường đến các khu vực có đông người Do Thái chính thống sinh sống để đưa tin.
Các vụ tấn công phóng viên nói trên diễn ra trước sự “bất lực” của cảnh sát Israel. Anat Saragusti, phụ trách mảng tự do báo chí của UJI nói: “Cảnh sát không coi việc này là quan trọng. Họ không điều tra và tìm cách bắt giữ chúng”. Thậm chí, khi đưa tin về biểu tình bạo động tại Jerusalem, có phóng viên còn bị lực lượng an ninh xô đẩy, ném lựu đạn cay dù họ không gây nguy hiểm hoặc cản trở ai.
Liên quan đến nguy cơ của nhà báo đưa tin trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo - một tổ chức có trụ sở tại Mỹ - đã kêu gọi các cơ quan chức năng Israel “làm mọi cách để bảo vệ các nhà báo Palestine và Israel tham gia đưa tin về các cuộc xung đột, và phải đảm bảo nhân viên các cơ quan báo chí có thể làm việc an toàn và tự do”.
Trong khi đó, Liên đoàn Nhà báo Palestine cho biết đã có 33 văn phòng cơ quan báo chí tại lãnh thổ này bị phá hủy và ít nhất 70 nhà báo bị thương trong các cuộc không kích. Trong đó, phóng viên kiêm dẫn chương trình thời sự Yousef Abu Hussein của đài phát thanh Voice of Al-Aqsa đã thiệt mạng khi căn hộ của ông trúng pháo kích của Israel. Đó còn chưa kể 100 nhà báo khác bị thương khi tác nghiệp đưa tin về bạo động tại Bờ Tây và Jerusalem.