Một "Brexit cứng" có thể gây chấn động phần còn lại của châu lục ở nhiều phương diện mà nhiều người dân EU chưa ý thức được, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa này, Pháp đã kích hoạt kế hoạch chi 50 triệu euro đầu tư vào các cảng biển và sân bay "bị ảnh hưởng nhiều nhất". Theo Thủ tướng Edouard Philippe, một số cảng sẽ được xây dựng thêm nơi đỗ ô tô, một số cảng khác sẽ được trang bị các hạ tầng để phục vụ công tác kiểm tra hải quan. Ngoài ra, nước này cũng lên kế hoạch tuyển dụng hàng trăm nhân viên hải quan và thanh tra thú y.
Bồ Đào Nha cũng dự định mở các làn xếp hàng đặc biệt tại các sân bay dành cho du khách Anh, nguồn khách du lịch chủ yếu của đất nước này. Theo Thủ tướng nước này Antonio Costa, 80% du khách Anh có thể đến các sân bay ở Faro, Algarve và Funchal ở quần đảo Madeira, nơi có các làn xếp hàng riêng cho các công dân Anh.
Trong khi đó, giới chức Hà Lan cho biết họ hy vọng điều tốt nhất song cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Cơ quan hải quan đang lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 900 nhân viên mới, cũng như đang tìm kiếm các bác sĩ thú y giỏi để phụ trách kiểm tra việc nhập khẩu động vật.
Tại Berlin, giới lập pháp Đức đang thảo luân dự luận giải quyết một số vấn đề hành chính nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra. Về phần mình, các chính phủ từ vùng ven Đại Tây Dương của châu Âu tới Biển Đen cũng đang chuẩn bị các quy định dành cho công dân Anh sống và làm việc tại các nước này khi họ không còn được hưởng quyền cư trú EU, đồng thời hy vọng Chính phủ Anh cũng có hành động tương tự với công dân các nước này.
Giới lãnh đạo Romania đã tìm cách trấn an khoảng một nửa triệu công dân nước này đang sinh sống tại Anh rằng họ sẽ không bị bỏ rơi song vẫn chưa đưa ra được các kế hoạch cụ thể. Cộng hòa Séc và Slovakia cũng đang tích cực xúc tiến đạo luật về các quyền ngắn hạn của các công dân Anh nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra. Trong khi đó, Hà Lan cũng sẽ cho phép các công dân Anh tiếp tục ở lại thêm 15 tháng và cho họ cơ hội nộp đơn xin cư trú.
Hiện nguy cơ Brexit không thỏa thuận không chỉ khiến người dân Anh mà ngay cả các doanh nghiệp ở châu Âu lo ngại khi việc lưu thông hàng hóa bị việc tái áp đặt các quy định và biên giới ngáng trở.
Người đứng đầu tổ chức BusinessEurope, Markus Beyrer khẳng định Brexit không thỏa thuận rõ ràng là "điều không thể chấp nhận" đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Theo ông, cần phải tránh kịch bản gây hỗn loạn và xáo trộn này.
Trong khi đó, Liên đoàn Hiệp hội ngành dược phẩm châu Âu (EFPIA) cảnh báo mối đe dọa trực tiếp đối với sự an toàn của bệnh nhân và sức khỏe của người dân tại Anh cũng như trên khắp châu Âu nếu kịch bản Brexit "cứng" xảy ra.
Theo đó, những tranh cãi về vấn đề biên giới có thể làm cản trở việc cung ứng dược phẩm, trong khi các nhà sản xuất thuốc tại cả Anh và EU đều sẽ không còn được hưởng lợi từ các quy định chung hay cấp phép dược phẩm.