Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ Bắc Kinh hy vọng các bên tại Myanmar có thể giải quyết hợp lý các bất đồng theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cũng như đảm bảo ổn định chính trị và xã hội.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc" tình hình ở Myanmar, đồng thời hối thúc các bên thực thi tiến trình dân chủ hóa đất nước và hòa giải dân tộc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử quốc hội ngày 8/11/2020.
Sau khi bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ, quân đội Myanmar thông báo cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc. Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.
Quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại. Lực lượng này cho biết thêm quyền điều hành đất nước sẽ được chuyển giao cho Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.