Theo đó, các hãng hàng không Nga được phép bay qua vùng trời 3 nước trên trong khung giờ từ 15h30 đến 19h ngày 2/10. Sang ngày 3/10, khung giờ được khuyến cáo có thể bay là từ 9h đến 19h theo giờ Moskva. Rosaviatsia cũng đưa ra khuyến cáo về các biện pháp an toàn trong khi thực hiện các chuyến bay tới Trung Đông. Các hãng hàng không Nga đã thay đổi lịch bay tới Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, huỷ các chuyến bay tới Tel Aviv. Trong ngày 2/10, hãng Aeroflot đã huỷ chuyến bay SU524/525 chặng Moskva-Dubai-Moskva, thay vào đó bằng chuyến bay vòng tránh. Một chuyến bay chở đoàn đại biểu cấp cao Nga đến Doha tham dự Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á cũng đã phải bỏ dở lịch trình và quay đầu về Moskva.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ ngoại giao Đức đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Iran ngay lập tức, lo ngại tình hình bất ổn và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Trong khi đó, người dân Litva cũng được kêu gọi rời khỏi Liban trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Bộ Ngoại giao Litva kêu gọi công dân nước này rời khỏi Liban trong khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động, lưu ý rằng một số hãng hàng không đã tạm thời dừng các chuyến bay đến sân bay Beirut và các chuyến bay khác có thể bị hủy. Bộ Ngoại giao CH Séc kêu gọi các công dân đang ở trên lãnh thổ Iran theo dõi tình hình, tránh tham gia các cuộc tụ tập đông người và rời khỏi đất nước này ngay sau khi không phận mở cửa.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết nước này sẽ điều 2 máy bay quân sự để sơ tán 350 công dân khỏi Liban, sớm nhất vào ngày 3/10. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Israel bị Iran tấn công bằng tên lửa vào tối 1/10 sau cuộc đụng độ giữa quân đội Israel và nhóm Hezbollah ở Nam Liban. Có khoảng 1.000 công dân Tây Ban Nha đang ở Liban. Trong số này, 350 người đã yêu cầu được hồi hương. Ngoài dân thường, Tây Ban Nha còn có 650 quân nhân đóng quân dọc biên giới phía Nam Liban giáp Israel, là một phần của Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) mà nước này triển khai từ năm 2022.
Tại châu Á, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã nhắc lại lời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bảo vệ người dân đồng thời cảnh báo cuộc xung đột này có nguy cơ lan rộng trong khu vực. Trong một tuyên bố, bộ trên lưu ý điều quan trọng là ngăn cuộc xung đột lan rộng hơn trong khu vực đồng thời kêu gọi giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại và ngoại giao. MEA cũng khuyến cáo công dân Ấn Độ tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết tới Iran. Những người hiện đang cư trú tại Iran được yêu cầu luôn cảnh giác và giữ liên lạc với Đại sứ quán Ấn Độ tại Tehran. Trước đó một ngày, Đại sứ quán Ấn Độ ở Tel Aviv cũng khuyến cáo công dân nước này ở Israel đề cao cảnh giác, tránh những hoạt đông đi lại không cần thiết và luôn ở gần nơi trú ẩn.
Trong khi đó, ngày 2/10, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ Ngoại giao Malaysia bày tỏ tình đoàn kết với Liban và tham gia lời kêu gọi chung của cộng đồng quốc tế về một lệnh ngừng bắn khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Liban. Bộ trên nhấn mạnh điều quan trọng là tất cả các bên không làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao, thông qua Đại sứ quán Malaysia tại Beirut, đang thực hiện các bước để sơ tán nhóm khoảng 15 công dân ước này tại Liban cùng người thân.