Đối với một số quốc gia, tình trạng chảy máu chất xám công nghệ này của Nga có thể coi là cơ hội để thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin về nước họ.
Quy mô tình trạng chảy máu chất xám đã được người đứng đầu Hiệp hội Truyền thông điện tử Nga Sergei Plugotarenko đề cập trong tháng 3: “Làn sóng đầu tiên với 50.000-70.000 người đã rời đi”. Ông Plugotarenko dự đoán khoảng 100.000 người khác có thể rời Nga vào tháng 4.
Các nhân tài công nghệ Nga vốn là đối tượng bị săn nhân sự hàng đầu. Theo Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu năm 2020 do Coursera công bố, người Nga giành điểm cao nhất về thành thạo kỹ năng về công nghệ và khoa học dữ liệu.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận thấy tình trạng chảy máu chất xám công nghệ này. Do đó, vào tháng 3, nhà lãnh đạo Nga đã yêu cầu bỏ thuế thu nhập trong giai đoạn từ nay đến 2024 đối với các cá nhân làm việc cho công ty công nghệ thông tin.
Nhưng nhiều nhân lực công nghệ thông tin người Nga đã chuyển đến Ba Lan hoặc các quốc gia Baltic như Latvia, Lithuania (Litva). Một số khác đặt chân đến những quốc gia nơi công dân Nga không cần thị thực như Armenia, Gruzia và những nước từng thuộc Liên Xô tại Trung Á.
Gần đây, Uzbekistan đã đăng tải thông tin cụ thể về quá trình xin thị thực làm việc và giấy phép cư trú đối với các chuyên gia công nghệ thông tin.
Trong một số trường hợp, toàn bộ doanh nghiệp công nghệ tìm cách “chuyển chỗ” để tránh lệnh trừng phạt của quốc tế. Một nhà ngoại giao cấp cao tại Kazakhstan đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp đến nước này.
Kazakhstan đang để mắt đến các nhà đầu tư công nghệ cao với quan tâm đặc biệt bởi nước này đang cố gắng đa dạng nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Năm 2017, chính phủ Kazakhstan còn thành lập một công viên công nghệ tại thủ đô Nur-Sultan đồng thời giảm thuế, cho vay ưu đãi và trợ cấp cho bất kỳ ai chuẩn bị mở cơ sở tại đó.