Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá những bước đầu nới lỏng hạn chế được coi là bước ngoặt khác trong gần 2 năm của đại dịch.
Biến thể Omicron đã dẫn đến tình trạng số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng mạnh trong 10 tuần qua.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này đánh giá một số quốc gia có thể cân nhắc nới lỏng các quy định nếu đã đạt được tỷ lệ miễn dịch cao, hệ thống chăm sóc y tế tốt và xu hướng dịch tễ học đi theo đúng hướng. Trên toàn cầu đã ghi nhận 370 triệu ca mắc và 5,6 triệu trường hợp tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, tại Anh và Mỹ, cũng như ở Nam Phi, sau khi phát hiện biến thể Omicron, các trường hợp COVID-19 lúc đầu đã tăng vọt nhưng đang giảm nhanh chóng. Số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ đã giảm từ mức trung bình trên 800.000 trường hợp mỗi ngày cách đây hơn 2 tuần xuống còn 430.000 trường hợp trong tuần này.
Anh, Pháp, Ireland, Hà Lan cùng một số quốc gia Bắc Âu đã tiến hành các biện pháp để nới lỏng hoặc chấm dứt hạn chế. Một số chính phủ về cơ bản đang đặt cược rằng đại dịch đang giảm dần. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca phát biểu: “Hãy yên tâm rằng những ngày tồi tệ nhất đang ở sau chúng ta”.
Anh từ tuần trước không còn yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng đồng thời loại bỏ việc phải trình hộ chiếu vaccine khi đến các địa điểm công cộng. Nhưng một quy định vẫn giữ nguyên là những người dương tính với COVID-19 phải cách ly.
Ngày 1/2, Na Uy bỏ lệnh cấm phục vụ đồ uống có cồn sau 11 giờ tối và quy định cấm tụ tập riêng trên 10 người. Bộ trưởng Y tế Na Uy Ingvild Kjerkol nhấn mạnh: “Bây giờ là thời điểm để chúng ta quay trở lại với cuộc sống thường nhật”.
Việc nới lỏng hạn chế làm dấy lên hy vọng rằng đợt bùng phát dịch bệnh sắp bước sang giai đoạn mới, trong đó COVID-19 sẽ giống như bệnh cúm, một mối đe dọa dai dẳng nhưng có thể kiểm soát được và có thể sống chung.
Trong khi biến thể Omicron được chứng minh là ít có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta nhưng các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên đánh giá thấp nó hoặc mất cảnh giác trước khả năng xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gheybreysus ngày 1/2 nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại về quan điểm của một số quốc gia cho rằng vì vaccine COVID-19 và khả năng lây truyền cao cùng mức độ gây bệnh nhẹ hơn của biến thể Omicron nên việc ngăn chặn lây nhiễm là không cần thiết”.
WHO đánh giá số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tính trong tuần từ 24-30/1 ở mức tương tự với tuần trước đó nhưng tỷ lệ tử vong tăng 9%, phản ánh tính không tương thích giữa số ca mắc và tử vong.
Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, Michael Ryan cảnh báo rằng áp lực chính trị có thể khiến một số quốc gia mở cửa quá sớm và điều đó “sẽ dẫn đến lây nhiễm, bệnh nghiêm trọng và tử vong không cần thiết”.
Đan Mạch là nước đi đầu trong Liên minh châu Âu (EU) về loại bỏ các hạn chế, nhưng vào ngày 2/2, người dân vẫn đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường phố. Ông Kjeld Rasmussen (86 tuổi) tại Copenhagen chia sẻ: “Tôi vẫn đeo khẩu trang bởi muốn bảo vệ bản thân và những người khác có sức khỏe không tốt”.
Vẫn có nhiều quốc gia đi theo con đường riêng. Italy đã thắt chặt quy định với hộ chiếu vaccine. Vào ngày 31/1, Italy yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước khi vào ngân hàng và bưu điện, bên cạnh đó những người trên 50 tuổi không tiêm vaccine đối mặt với hình phạt 100 euro.
Tại Đức, nơi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục lập kỷ lục, quy định hạn chế với tụ tập riêng và yêu cầu người dân trình hộ chiếu vaccine khi đến các cửa hàng không cần thiết vẫn duy trì.
New Zealand cũng sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của mình, tạo điều kiện để người dân New Zealand đã tiêm vaccine COVID-19 không phải cách ly trong các khách sạn do quân đội quản lý.
Nam Phi trong tuần này thông báo đã thoát khỏi làn sóng dịch thứ tư và các nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng miễn dịch đã đạt từ 60% đến 80%. Nam Phi vẫn yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang nhưng lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ và các trường học được yêu cầu mở cửa hoàn toàn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.