Nhiều nước yêu cầu được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran

Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/6 đã gửi tới Mỹ yêu cầu chung chính thức, trong đó đề nghị các công ty của các nước thành viên EU được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran.

EU yêu cầu miễn trừ các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ảnh minh họa: Bloomberg

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nước EU nêu rõ với tư cách là đồng minh, những nước này mong rằng Mỹ sẽ kiềm chế những hành động gây tổn hại tới lợi ích an ninh và kinh tế của EU. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, cả ba nước trên cùng EU đang gửi yêu cầu c miễn trừ các doanh nghiệp châu Âu đang có hoạt động thương mại hợp pháp với Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực bảo toàn thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận vốn rất khó khăn để đạt được này. Quyết định của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran và đối với những thực thể vi phạm những lệnh này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng các doanh nghiệp châu Âu vốn đang đẩy mạnh đầu tư vào Iran kể từ các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ trong 3 năm qua, sẽ phải chịu thiệt hại nặng nhất từ những lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Một khi các lệnh trừng phạt được áp đặt trở lại, nhiều công ty lớn của châu Âu như Total hay Maersk khó có khả năng tiếp tục trụ lại Iran trừ khi họ được miễn trừ khỏi quyết định này.

Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan trong thỏa thuận hạt nhân Iran duy trì thỏa thuận sau khi Tehran tiết lộ kế hoạch tăng cường khả năng làm giàu urani, động thái diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ với tình hình hiện tại, Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan có thể hành động vì lợi ích toàn diện và lâu dài, đồng thời tiếp tục duy trì và thực hiện thỏa thuận.

JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran duy trì bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình. Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm nhất định, mặc dù có bị hạn chế trong 10 năm đầu sau thỏa thuận về chủng loại và số lượng máy. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu uranium lên mức 3,67%.

Tuy vậy, tương lai của JCPOA đã rơi vào thế bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty của các nước này đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Iran
Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Iran

Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Washington cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN