Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Togo, một đoàn 12 nhân viên y tế Cuba đã đến quốc gia nhỏ bé Tây Phi này để hỗ trợ.
Ông Charles Azilan tại Bộ Ngoại giao Togo nói: “Các bác sĩ Cuba với kinh nghiệm đã đem lại những câu trả lời hợp lý”. Chính phủ Togo ca ngợi đội ngũ bác sĩ Cuba là ví dụ về hợp tác Nam-Nam, gọi đây là “bước ngoặt” trong mối quan hệ hai quốc gia.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Cuba đã điều bác sĩ đến gần 40 quốc gia khắp 5 châu lục. Ngay cả những quốc gia giàu có như Andorra và Italy cũng chào đón nhân viên y tế Cuba tới hỗ trợ chống dịch.
Dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Fidel Castro, Cuba đã xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến ngay cả các nước phát triển phải nể phục. Cuba hiện sở hữu tỷ lệ bác sĩ trên đầu người lớn nhất thế giới với 9 bác sĩ/1.000 dân.
Kể từ năm 1959, Cuba đã gửi “đội quân áo trắng” tới những nơi xảy ra thảm họa và dịch bệnh khắp thế giới, trong tinh thần đoàn kết. Trong thập niên qua, các bác sĩ Cuba cũng đã góp sức chống dịch tả tại Haiti và Ebola ở Tây Phi.
Thủ tướng Ralph Gonsalves của đảo quốc Saint Vincent và Grenadines chia sẻ: “Họ là những vị cứu tinh. Ở một số quốc gia Caribbean, họ thậm đã hình thành trụ cột cho phản ứng với đại dịch COVID-19”.
Trong tháng 3 vừa qua, Jamaica đã chào đón 137 bác sĩ Cuba. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tại đây vốn có tới 296 bác sĩ Cuba.
Nhiều nước cho biết muốn học tập kinh nghiệm xử lý dịch của Cuba bao gồm cách ly các trường hợp, lần dấu người tiếp xúc với bệnh nhân, xét nhiệm và nhanh chóng điều trị.
Một điều đáng chú ý là nhiều bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại Bán cầu Nam vốn tốt nghiệp từ trường Y quốc tế tại Cuba – nơi đã đào tạo được 30.000 bác sĩ nước ngoài.