Ngày 13/8, chính quyền thành phố Jakarta (Indonesia) thông báo kéo dài giai đoạn chuyển tiếp trong khuôn khổ các biện pháp siết chặt với quy mô lớn từ ngày 14-27/8 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Đây là lần thứ 4 chính quyền Jakarta đưa ra biện pháp trên. Trong một tuyên bố, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan cho biết quyết định được đưa ra sau khi cân nhắc một số điều kiện và tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, đặc biệt là các chuyên gia dịch tễ. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Jakarta là 8,7%, tính tổng thể thì tỷ lệ này là 5,7%, vẫn cao hơn so với mức chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 5%. Hiện có tới 27.863 người mắc COVID-19 tại Jakarta, trong đó hơn 60% đã hồi phục. Số ca tử vong do dịch này là 981 người.
Trong khi đó, New Zealand, quốc gia hồi đầu tuần đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm, cho biết đang ráo riết truy vết F0 của 17 ca mới tại thành phố Auckland. Thành phố lớn nhất New Zealand này cũng đang để ngỏ khả năng kéo dài lệnh phong tỏa, vốn được áp đặt từ ngày 12-14/8.
Tại châu Âu, cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ của ông sẽ không ngần ngại có biện pháp "mạnh" đối với những nước đối tác gần gũi nhất liên quan đến yêu cầu cách ly bắt buộc trong bối cảnh dịch COVID-19 tại châu Âu vẫn phức tạp. Theo phóng viên TTXVN tại London, sau tuyên bố trên vài tiếng, Anh chính thức đưa Pháp vào danh sách các nước mà công dân bắt buộc phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Anh, lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ 4 giờ sáng 15/8 (theo giờ địa phương). Danh sách công dân các nước EU khi vào Anh buộc phải cách ly 14 ngày hiện có Tây Ban Nha và Bỉ. Hiện số ca nhiễm tại các nước Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp đang gia tăng mạnh. Bộ Y tế Pháp ngày 13/8 thông báo số ca nhiễm mới là 2.669 người, mức cao kỷ lục kể từ khi nước này áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 2 đến nay.
London rất linh hoạt trong việc đưa ra và rút lại danh sách các nước trong diện phải cách ly bắt buộc khi vào Anh. Anh hiện cũng yêu cầu tự cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Hà Lan, Monaco, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Caicos và Aruba. Chính phủ Anh khuyến cáo người dân không nên đi nước ngoài nếu không thật cần thiết. Với hơn 41.000 người tử vong do COVID-19, Anh là quốc gia châu Âu bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh này.