Ban tổ chức Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 đã quyết định hủy vòng loại các môn bóng đá nữ và quyền Anh dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới tại nơi bùng phát dịch bệnh viêm phổi lạ do virus corona - thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Ủy ban Olympic quốc tế sẽ sớm thông báo địa điểm mới cũng như thời gian tổ chức các sự kiện thể thao nói trên.
Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) ở Davos (Thụy Sĩ) cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này có kế hoạch để khống chế dịch viêm phổi lạ, đồng thời bày tỏ tin tưởng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) sẽ xử lý rất tốt vấn đề này.
Về phần mình, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tăng cường giám sát đối với tất các chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán tới Anh.
Tại Nga, Cơ quan liên bang giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Rospotrebnadsor thông báo đang tăng cường kiểm soát khâu kiểm dịch và vệ sinh tại tất cả các điểm nhập cảnh vào Nga. Rospotrebnadsor khuyến cáo người Nga tránh đến tỉnh Hồ Bắc cũng như thành phố Vũ Hán. Theo cơ quan này, hiện chưa có trường hợp nào nghi nhiễm virus corona tại Nga.
Tương tự, Bộ Y tế Singapore cũng khuyến cáo người dân tránh thực hiện những chuyến đi không cần thiết đến Vũ Hán trong tình hình bệnh viêm phổi lạ lây lan hiện nay.
Chủng virus corona mới, có tên gọi khoa học là 2019-nCoV, lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán sau khi bùng phát dịch viêm phổi lạ ở thành phố này với hàng chục người nhiễm dịch. Tính đến ngày 22/1, tờ Nhân dân nhật báo cho biết 473 ca mắc bệnh và số người tử vong là 9 người tại quốc gia này. Ngoài Vũ Hán, các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã xác nhận có ca nhiễm virus gây bệnh phổi lạ.
Các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã xác nhận các ca nhiễm bệnh. Bệnh được cho là có thể lây truyền từ người qua người. Hiện giới chuyên gia quốc tế đang lo ngại về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh, tương tự như đại dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) khiến gần 650 người tử vong hồi năm 2002-2003. Hong Kong từng là điểm nóng dịch SARS năm 2003 và từng nhiều lần chứng kiến dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trong hơn một thập kỷ. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1.755 người ở Hong Kong (Trung Quốc) đã nhiễm virus SARS và 299 người thiệt mạng vì dịch bệnh này vào thời điểm đó.