Chủ tịch Hiệp hội tàu chở dầu INTERTANKO – ông Paolo d’Amico nhận định: “Chúng ta cần nhớ rằng có tới 30% dầu thô toàn cầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz. Nếu vùng biển này không còn an toàn thì nguồn cung tới các quốc gia phương Tây cũng gặp rủi ro”.
Đến nay đã có 6 tàu chở dầu bị hư hại trong các cuộc tấn công. Vụ việc đầu tiên xảy ra ngày 12/5 ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với 4 “nạn nhân”. Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi đang thực hiện hải trình qua Vịnh Oman.
Mỹ lên tiếng cáo buộc Iran là thủ phạm trong cả 2 vụ việc và thậm chí còn tung video không rõ nét và tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tháo dỡ một thiết bị chưa phát nổ trên thân tàu chở dầu. Iran đã phủ nhận cáo buộc liên quan và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng Mỹ đã vội vàng cáo buộc Tehran mà không đưa ra được bằng chứng.
Trong khi đó, chủ sở hữu Kokuka Courageous cho biết các thủy thủ đã quan sát thấy “vật thể bay” trước khi vụ tấn công xảy ra. Điều này dấy lên nghi vấn tàu chở dầu bị tấn công bởi vũ khí khác, không phải mìn buộc (một loại vũ khí hải quân) như quân đội Mỹ tuyên bố.
Những đối đáp căng thẳng qua lại giữa hai bên đã gợi nhớ đến “Chiến tranh tàu chở dầu” cách đây hơn 30 năm.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết “chiến tranh tàu chở dầu” cách đây hơn 30 năm liên quan đến việc hải quân Mỹ hộ tống các tàu chở dầu mang cờ Kuwait qua Vịnh Ba Tư và Eo Hormuz bởi có cáo buộc mìn của Iran gây ảnh hưởng tới tàu biển.
“Chiến tranh tàu chở dầu” dẫn đến cuộc đối đầu trên biển giữa Mỹ và Iran, ngoài ra quân đội Mỹ còn vô tình bắn hạ một máy bay chở khách khiến 290 người thiệt mạng.
“Chiến tranh tàu chở dầu” nảy sinh từ cuộc đối đầu kéo dài 8 năm giữa Iraq và Iran trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Tổng thống Iraq ở thời điểm đó Saddam Hussein đã ra lệnh đưa quân đến Iran. Mỹ đã hỗ trợ quân đội Iraq bằng việc cung cấp thông tin tình báo, vũ khí… Cuộc chiến tranh này đã khiến 1 triệu người tử vong.
Ban đầu Iraq nhắm hướng tấn công vào tàu biển Iran. Năm 1984, đảo Kharg – địa điểm trung chuyển bơm tiếp dầu quan trọng của Iran - đã trở thành nạn nhân của hỏa lực Iraq. Không quân Iraq còn tấn công nhiều tàu trên Vịnh Ba Tư. Sau vụ việc tại đảo Kharg, Iran đã mở chiến dịch tấn công các tàu trong khu vực để đáp trả.
Viện Hải quân Mỹ thống kê trong cuộc chiến trên biển, Iraq đã tấn công hơn 280 tàu trong khi phía Iran cũng tấn công 1 tàu. Theo AP, từ năm 1987, Iran áp dụng chiến thuật cải trang tàu thành thuyền buồm và tấn công bằng mìn. Khi tàu chở dầu của Kuwait bị tấn công, Mỹ đã ra tay bảo vệ.
Năm 1987, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts của Mỹ bị trúng mìn và suýt chìm. Vụ việc kéo theo tình trạng đối đầu trên biển giữa Mỹ và Iran mang tên Chiến dịch Con Bọ ngựa. Lực lượng của Mỹ đã tấn công hai giàn khoan dầu và đánh chìm 6 tàu Iran.
Đến tháng 5/1987, bi kịch xảy ra. Tàu USS Vincennes trong quá trình đuổi theo tàu của IRGC vào lãnh hải Iran đã nhầm máy bay thương mại mang số hiệu 655 của hãng hàng không Iran Air là chiến đấu cơ F-14 do vậy đã tung hỏa lực. Máy bay Iran Air rơi khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Máy bay của Iran Air khi đó đang trong hành trình từ Bandar-e Abbas (Iran) đến Dubai (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất).
Tháng 5/1989, Iran đệ đơn kiện Mỹ tại Tòa án Công lý Quốc tế về vụ việc liên quan đến chuyến bay mang số hiệu 655. Đến năm 1996, hai bên đã giải quyết vụ kiện bằng việc Mỹ bày tỏ tiếc nuối và đền bù 61,8 triệu USD cho gia đình các nạn nhân. Sau đó, Iran quyết định rút đơn kiện.