Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra chính sách nhập cư “không khoan nhượng” nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, theo đó bất kỳ ai vượt biên trái phép sẽ bị truy tố trước pháp luật. Do trẻ em không thể bị giam giữ trong các trại giam người lớn nên sẽ bị tách khỏi cha mẹ mình.
Hãng thông tấn AP dẫn nguồn báo cáo từ Văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đưa tin nhiều đứa trẻ đã rơi vào hoàn cảnh đáng thương do hành trình di cư gây ra. Những đứa trẻ tỏ ra sợ hãi, chúng nghĩ rằng cha mẹ đã bỏ rơi mình. Do đó các em tức giận, buồn bã và có biểu hiện sang chấn tâm lý nhiều hơn những đứa trẻ được ở cùng cha mẹ.
“Nhiều cơ sở y tế cho biết việc giải quyết vấn đề những đứa trẻ sống tách biệt với cha mẹ là một thách thức lớn vì chúng luôn sợ hãi và có cảm giác bị bỏ rơi, chúng bị căng thẳng sau chấn thương tâm lý nhiều hơn những đứa trẻ được sống cùng cha mẹ”, Phó tổng Thanh tra Ann Maxwell nói.
Các chuyên gia nhận định việc chia rẽ các thành viên trong gia đình theo chính sách “không khoan nhượng” của chính quyền Tổng thống Trump đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của nhiều đứa trẻ vô tội. Dựa trên cuộc phỏng vấn 100 bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tinh thần – những người thường xuyên được tiếp xúc với trẻ em có thể nhận thấy rằng những đứa trẻ được đưa đến các cơ sở trông giữ chưa được chăm sóc tận tình.
Cơ quan Giám sát Mỹ cho biết trẻ em di cư bị tách khỏi gia đình đang phải gánh chịu các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. “Hầu hết mọi đứa trẻ đều cảm nhận được mình đã bị tổn thương, mặc dù sức khỏe thể chất của chúng đều ổn. Chúng cảm nhận được mỗi nhịp đập đều rất đau đớn, đó chính là biểu hiện của nỗi đau tinh thần”, một bác sĩ chuyên khoa chia sẻ.
Việc tách trẻ em di cư khỏi cha mẹ chúng đã gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, những người quan tâm đến quyền lợi và sức khỏe của trẻ cho rằng những đứa trẻ có khả năng bị chấn thương tâm lý rất nặng.
Năm 2018, khi nhiều địa phương buộc phải thực hiện chính sách “không khoan nhượng”, đã có ít nhất 2.500 đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ mình và được đưa đến các cơ sở trông giữ trẻ em do các tổ chức của chính phủ điều hành.
Một đứa trẻ khoảng 7 – 8 tuổi bị tách khỏi bố mình mà không biết lý do tại sao, cậu bé vẫn nghĩ rằng bố mình đã bị giết và chính cậu có lẽ cũng phải chết. “Đứa trẻ này cần được chăm sóc tinh thần khẩn cấp để có thể điều trị tình trạng suy yếu sức khỏe tâm thần”, đại diện một tổ chức bảo vệ trẻ em nói.
Cơ quan giám sát cho biết trẻ em bị giam giữ càng lâu thì sức khỏe tinh thần càng suy giảm, họ khuyến nghị chính phủ nên giảm thiểu thời gian giam giữ và đề nghị đưa ra những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn như tuyển dụng nhân viên được đào tạo chất lượng hơn.
Cơ quan quản lý Trẻ em và Gia đình thuộc bộ phận quản lý trẻ em HHS cũng đồng tình và đã bắt đầu thực hiện các khuyến nghị đó. Họ đã tiến hành tìm kiếm nhiều chuyên gia y tế tốt hơn nhưng những bất lợi trong phạm vi truyền thông và nhận thức tiêu cực của công chúng đã cản trở nỗ lực của họ.
Trợ lý Bộ trưởng Lynn Johnson nói trong một lá thư gửi Cơ quan Giám sát rằng thời gian lưu trú trung bình hiện tại đã ngắn hơn nhiều so với năm ngoái. Bà cho biết các yếu tố quan trọng nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan bao gồm sự gia tăng số lượng trẻ tại biên giới, nhu cầu sức khỏe tinh thần riêng biệt của từng trẻ và sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa có trình độ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn là những hạn chế trong quá trình hành động.
Tuy nhiên, sau khi thẩm phán tuyên bố những đứa trẻ được đoàn tụ với cha mẹ của mình thì nỗi đau về tinh thần vẫn chưa chấm dứt. Một số cơ sở cho biết việc đoàn tụ đã được lên kế hoạch trước đó nhưng rất ít khi được thông báo hoặc đôi khi đột nhiên bị hủy bỏ.
Một đứa trẻ được chuyển từ cơ sở trông giữ ở Florida đến Texas để được đoàn tụ cùng cha mình, nhưng khi được chuyển đến trung tâm giam giữ, bé gái này lại được đưa trở lại cơ sở ở Florida trong tình trạng hoảng loạn mà thậm chí không được gặp cha.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết có gần 9.000 trẻ em trong các cơ sở tạm trú, gần 85% số trẻ em tại đây trong độ tuổi từ 13 –17, trẻ từ 6 – 12 tuổi chiếm 13% và trẻ từ 0 – 5 tuổi chiếm 2%. Theo yêu cầu, mỗi đứa trẻ sống trong cơ sở tạm trú tối thiểu sẽ nhận được 1 buổi tư vấn sức khỏe mỗi tuần và 2 buổi thảo luận nhóm về mọi vấn đề.
Thông thường sẽ có một bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần khám cho 12 em, nhưng hiện tại 1 bác sĩ phải tiếp nhận đến 25 em.
Một báo cáo được công bố gần đây cho thấy 31 trong số 45 cơ sở được giám sát đã thuê những người quản lý không đáp ứng được các yêu cầu của Văn phòng Tị nạn, nhiều cơ sở không thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục bắt buộc cho các em. Ngoài ra, có đến 28 trong số 45 cơ sở không có đủ nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Điều này có nghĩa là một số trẻ đã không được điều trị đúng cách, có những đứa trẻ bị bệnh ngày càng nặng hơn, chúng tự làm hại bản thân mình và xuất hiện những hành vi tự tử mà không được chuyển đến các trung tâm điều trị nội trú kịp thời.
Các nhà điều tra cũng phát hiện ra trường hợp có đến 300 trẻ em được kê đơn thuốc chống trầm cảm trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2018. Họ mô tả những đứa trẻ không muốn uống thuốc và lo ngại liều lượng hoặc loại thuốc có vấn đề.
Trong một báo cáo khác, chỉ có 4 trong số 45 nơi tạm trú được Tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ xem xét đáp ứng tất cả các yêu cầu sàng lọc nhân viên. Các nhà điều tra liên bang cũng đã phát hiện một số cơ sở giam giữ chứa những nhân viên có tiền sử phạm tội liên quan đến lạm dụng trẻ em.
Trước vấn đề hỗn độn này, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman đã lên tiếng cho rằng trẻ em xứng đáng được chăm sóc ân cần. “Phải đảm bảo nhân viên chăm sóc trẻ có đầy đủ tiêu chuẩn”, ông nói.