Theo hãng tin Reuters, thông báo mới của Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) ngày 6/7 đồng nghĩa các sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu năm nay sẽ không được tới Mỹ, nếu trường học chuyển sang học hoàn toàn trực tuyến.
Đối với sinh viên nước ngoài đang ở Mỹ, nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến, sinh viên sẽ phải chuyển trường nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ hợp pháp. Với các trường vừa học trực tiếp vừa học online, những sinh viên đăng ký ít nhất 1 tín chỉ học trực tiếp (in-person class) thì vẫn có thể được phép ở lại.
Hiện có trên 1 triệu sinh viên nước ngoài đang học tại các trường đại học, cao đẳng Mỹ, trong đó có nhiều trường phụ thuộc tài chính từ nguồn sinh viên quốc tế - những người chi trả học phí cao hơn và đầy đủ so với sinh viên trong nước.
Năm 2018, các du học sinh đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trong số các sinh viên quốc tế, sinh viên Trung Quốc vẫn chiếm số lượng đông nhất, kế đến là Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada.
ICE quy định các trường, cơ sở chuyển sang hình thức học trực tuyến hoàn toàn phải nộp các kế hoạch giảng dạy trước ngày 15/7. Trong khi đó, các trường vẫn triển khai duy nhất hình thức học trên lớp, hay kết hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến, sẽ phải nộp hồ sơ trước ngày 1/8.
Trong một tuyên bố ngày 6/7, người đứng đầu trường Đại học Rutgers-Newark, bà Nancy Cantor cho hay trường bà cùng các trường đại học khác trên cả nước và các nhà lập pháp tại Quốc hội đang nỗ lực làm việc để “hiểu toàn bộ và có phản ứng thích hợp trước điều chỉnh mới của ICE”.
Theo dữ liệu do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) công bố, trong năm học 2018-2019, Đại học Rutgers-Newark tiếp nhận gần 7.000 sinh viên quốc tế. Như một nỗ lực trấn an sinh viên nước ngoài, bà Cantor khẳng định hình thức học của trường trong mùa thu tới sẽ kết hợp cả trực tuyến và lên lớp. Phần lớn sinh viên đi học với chương trình kết hợp này, cũng như học 100% trên lớp, sẽ là những đối tượng nằm ngoài quy định mới nêu trên, một khi kế hoạch giảng dạy của họ được ICE thông qua.
Ông Lee Bollinger – Hiệu trưởng Đại học Columbia tại thành phố New York – cho rằng quyết định của chính phủ “gây ra hiểu lầm”. Ông cam kết trường sẽ triển khai một vài giải pháp, trong đó có xây dựng thời khóa biểu kết hợp trực tuyến và lên lớp.
Theo kết quả khảo sát của báo Chronicle of Higher Education với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên cả nước, phần lớn trong số đó trả lời họ sẽ cung cấp các khóa học trên lớp hoặc hình thức kết hợp trực tuyến-lên lớp. Ông Toni Molle – Giám đốc Truyền thông Đại học bang California – cho hay trường đang xem xét hướng dẫn mới để xác định mức độ ảnh hưởng tới sinh viên.
Một số trường, trong đó có Đại học Harvard, trước đó thông báo các lớp sẽ học trực tuyến hoàn toàn, song giờ đây có thể phải thay đổi kế hoạch để không gây rắc rối cho sinh viên quốc tế.
Trong một động thái gây sức ép để các trường học mở cửa trở lại trong mùa thu này, Tổng thống Trump đã chỉ trích quyết định giảng dạy trực tuyến trong năm học tới của Đại học Harvard. “Tôi nghĩ quyết định này thực sự nực cười, và đó là một cách giải quyết quá hời hợt. Tôi nghĩ Harvard nên tự thấy xấu hổ”, nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu ngày 7/7 tại một sự kiện ở Nhà Trắng.
Tổng thống Trump thông báo ông sẽ gây sức ép với thống đốc các bang để mở cửa trở lại trường học vào mùa thu tới, bất chấp diễn biến dịch COVID-19 tại một số khu vực. Trong sự kiện trên, Nhà Trắng đã mời hàng chục quan chức giáo dục và y tế trên cả nước Mỹ tới để thảo luận về các biện pháp an toàn khi mở lại cửa trường học.
Trả lời kênh CNN, ông Ken Cuccinelli - quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - cho biết quy định mới của ICE sẽ “khuyến khích các trường học mở cửa trở lại”. Nhiều doanh nghiệp tại Mỹ cũng lên tiếng hối thúc có các biện pháp an toàn để mở cửa lại trường học, coi đây là cách thức quan trọng giúp các vị phụ huynh có thể trở lại làm việc và khôi phục nền kinh tế Mỹ.