Tuy nhiên, hãng máy bay của Mỹ này cho biết đang tập trung vào giải quyết vấn đề và suy nghĩ các bước tiếp theo để giành lại lòng tin của công chúng.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump, người sở hữu chiếc máy bay Trump Shuttle từ năm 1989-1992, gợi ý: "Nếu tôi là Boeing, tôi sẽ sửa chữa Boeing 737 MAX, và đặt cho máy bay này một cái tên mới".
Bình luận về gợi ý trên của Tổng thống Trump, người phát ngôn Boeing cho biết xây dựng lại lòng tin của công chúng là mục tiêu chính của hãng, trong đó các phi công đóng một vai trò quan trọng. Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch truyền thông của Boeing, Gordon Johndroe cho biết: "Lòng tin của phi công vào máy bay sẽ định hướng hành khách và phi hành đoàn đặt nhiều lòng tin hơn vào máy bay".
Hiện hãng Boeing đang tập trung vào việc trình một phần mềm cập nhật và tiến hành huấn luyện phi công để có thể được các cơ quan quản lý phê chuẩn. Các cơ quan chức năng trên toàn thế giới đang chuẩn bị xem xét các đề xuất của Boeing.
Các quan chức hãng hàng không cho biết đã tiến hành nhiều cuộc họp kéo dài với Boeing trong những tuần qua để thảo luận cách thức giành lại sự ủng hộ của công chúng khi loại máy bay 737 MAX được phép hoạt động trở lại.
Theo một nguồn tin, khả năng đặt tên mới cho MAX không nhiều, bởi việc đặt tên cho một dòng máy bay là một công việc lớn.
Trong khi đó, giới chuyên gia cũng phản ứng không thuận với đề xuất của ông Trump. Công ty tư vấn về giá trị thương hiệu toàn cầu, có trụ sở tại Anh, Brand Finance ước tính giá trị của thương hiệu Boeing đã giảm 12 tỷ USD. Theo tính toán của công ty này, thương hiệu Boeing có giá trị cao nhất trên thị trường hàng không vũ trụ trong năm 2018, là 32 tỷ USD. Giám đốc điều hành Brand Finance David Haigh bác bỏ ý tưởng đặt thương hiệu mới cho Boeing, đồng thời nhấn mạnh rằng hãng Toyota và nhiều hãng khác đã phục hồi sau nhiều cuộc khủng hoảng tốn kém mà không cần tới giải pháp đau đớn là thay thương hiệu.
Nhiều chuyên gia marketing khác cho rằng bàn về việc thay thương hiệu lúc này là không phù hợp, khi vấn đề an toàn đang cần đặt lên hàng đầu. Nhà sáng lập cơ quan thiết kế thương hiệu Interesting Development, Paul Caiozzo khẳng định việc thay thương hiệu mà không đảm bảo rằng sản phẩm đó an toàn, thì một vụ tai nạn khác đối với cùng một loại máy bay mang cái tên mới và hình ảnh mới, sẽ hủy hoại Boeing. Trưởng nhóm chiến lược của công ty tư vấn Landor, chuyên làm việc cho các hãng hàng không và nhiều lĩnh vực khác, ông Thomas Ordahl cũng cho rằng không thể chỉ thay thương hiệu mà phải giải quyết vấn đề.
737 MAX là máy bay bán chạy nhất, cũng là nguồn thu và lãi chính của hãng Boeing. Loại máy bay này đã nhận được 5.000 đơn đặt hàng, tương đương khoảng 7 năm sản xuất máy bay của hãng. Giám đốc điều hành Dennis Muilenburg đã đại diện hãng xin lỗi sau hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 nạn nhân thiệt mạng, đồng thời cam kết loại bỏ nguy cơ phần mềm kiểm soát bay tự động (MCAS) có thể được kích hoạt vì dữ liệu không chính xác.