Cuộc gặp tại Indonesia
Theo kênh CNN ngày 14/11, Mỹ đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo ở Indonesia đã mang lại hai kết quả quan trọng: Lập trường chung rằng Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và dự kiến nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu giữa các nhà đàm phán Mỹ - Trung Quốc.
Về mối đe dọa vũ khí hạt nhân, Tổng thống Biden nói rằng ông và ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định niềm tin chung về mối đe dọa hạt nhân, coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Còn theo thông báo ngày 14/11 của Nhà Trắng về cuộc gặp trên, Mỹ và Trung Quốc sẽ một lần nữa hợp tác trong các vấn đề, trong đó có cả biến đổi khí hậu. Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo nhất trí trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng về vấn đề biến đổi khí hậu và các vấn đề khác.
Nhà Trắng cũng cho biết các vấn đề khác mà Mỹ và Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau bao gồm xóa nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực. Hồi đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đã ngừng hợp tác với nhau về vấn đề khí hậu. Mối quan hệ hợp tác này rất đáng chú ý vì Trung Quốc và Mỹ là những nước phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới.
Cũng trong cuộc gặp, Tổng thống Biden khẳng định cả hai nước đều có trách nhiệm xử lý bất đồng, ngăn ngừa cạnh tranh trở thành xung đột, đồng thời cam kết duy trì các kênh trao đổi.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định giữa hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng quan hệ song phương hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của hai nước và người dân, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Theo ông Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo cần xây dựng hướng đi đúng đắn cho quan hệ Mỹ - Trung và nâng tầm quan hệ song phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về lập trường trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, hướng đến hợp tác với ông Biden.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 5 lần điện đàm hoặc họp trực tuyến. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump bên lề hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản vào năm 2019.
Tinh thần lạc quan
Theo CNN, các tuyên bố công khai từ cả hai bên dường như cũng chỉ ra một nền tảng cơ bản rằng mỗi bên đều nhận ra bản chất quan trọng trong quá trình cạnh tranh và cả hai đều muốn đảm bảo rằng ít nhất cạnh tranh sẽ không bùng phát thành chiến tranh.
Hai bên đang hướng tới việc mở lại các cuộc đối thoại thường xuyên hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến thăm Trung Quốc vào năm tới. Những cuộc trao đổi như vậy đã bị đình chỉ kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8 và gây ra phản đối dữ dội của Trung Quốc.
Thông tin liên lạc giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc rất quan trọng vào thời điểm khủng hoảng. Tinh thần hiểu biết và tin tưởng giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden có thể phát huy tác dụng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Ông Leon Panetta, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng, bày tỏ lạc quan thận trọng sau cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Nếu kết quả của cuộc gặp này là đưa mối quan hệ trở lại bình diện ngoại giao hơn, trong đó thay vì đả kích lẫn nhau, họ có thể bắt đầu đối thoại về các loại vấn đề cần giải quyết, tôi nghĩ cuộc gặp này có thể sẽ trở thành trụ cột”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Không bên nào nên cố gắng uốn nắn bên kia theo hình ảnh của chính mình hoặc tìm cách thay đổi hay thậm chí lật đổ hệ thống của bên kia”.
Trong khi đó, ông Biden nói sau cuộc hội đàm rằng ông không thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đối đầu hơn hay hòa giải hơn mà vẫn như mọi khi: trực tiếp và thẳng thắn. Ông Biden nói: “Chúng tôi đã rất thẳng thắn với nhau về những điểm mà chúng tôi không đồng ý hoặc những điểm mà chúng tôi không chắc chắn về lập trường của nhau”.